Đăng trong Dương viết

Tết

Tết bắt đầu từ khi lá dong được quấn quanh cây cột trong nhà, và ống giang được dựng ngay bên cạnh. Từ đó, tất cả mọi thứ, kể cả thời gian, đều được gắn thêm chữ “Tết” phía sau.

Cá Tết là cả một nồi to đùng phải kho cả ngày mới khô nước, đến 29 lại phải đưa ra kho lại lần nữa cho thơm ngon đẹp mắt. Nồi cá Tết đủ để ăn hết cả tháng Giêng.

Từ 23 Tết, chợ bắt đầu tấp nập, ai nấy đều đi sắm Tết. Mua đồ khô. Mua bánh kẹo. Mua quần áo. Mua hoa hòe. Mua đủ thứ.

28 Tết mổ lợn, chia thịt. 29 Tết gói bánh chưng, bánh tét. Bố gói bánh tét, em gói bánh chưng, chị ngồi nối chạc, quấn bánh. Nồi bánh phải nấu cả đêm. Nhớ hồi nhỏ nấu bánh trời hay mưa, mấy đứa con nít đều thích quây quần quanh nồi bánh để sưởi, hoa lửa bắn tí tách, khói trắng lẫn vào trong hạt mưa dầm. Hồi nhỏ chẳng thức khuya nổi, bánh chưa chín đã ngủ mất, sáng dậy bánh đã treo lủng lẳng trong góc nhà. Năm nào bố cũng gói một cái bánh tét nho nhỏ mà mẹ hay gọi là “bánh thử”, sáng 30 Tết bóc ra cắt cho hai đứa con gái ăn trước. Nhưng mà Tết có nhiều thứ hấp dẫn hơn bánh thử, nên thường thường hai đứa chỉ ăn một vài khoanh bánh là cùng. Lớn lên rồi, chẳng biết có phải vì biến đổi khí hậu hay không mà lúc nấu bánh trời chẳng còn mưa nữa. Lớn lên rồi, dù thức khuya lắc khuya lơ cũng chỉ thỉnh thoảng ngó qua nồi bánh chứ không ngồi chực chờ nữa. Con gái lớn rồi bố cũng chẳng gói bánh thử nữa.

Hồi nhỏ, Tết hay có hành muối, bây giờ chẳng còn mấy nhà muối hành nữa, nhưng đến Tết vẫn phải mua vài cân hành khô về làm nhân bánh. Buổi tối, cả nhà ngồi quanh rổ hành, bóc vỏ mà cay cả mắt.

Hồi nhỏ, Tết mẹ hay làm bánh ít hoặc bánh xèo. Trời lạnh, mùng hai là bánh đã cứng còng. Bây giờ mẹ ít làm bánh, nhường hết cho con gái. Con gái mẹ không thích làm bánh mà chỉ thích làm mấy thứ đẹp đẹp như mứt dừa ngũ sắc. Con gái mẹ cũng không thích mua kẹo ngoài chợ mà thích tự tay làm đồ Tết. Đến Tết, trong nhà đủ thứ hay ho.

Tết nay đã khác Tết xưa rất nhiều, nhưng cứ đến Tết là trong nhà nhất định phải có phồng tôm. Tối 30 vừa rán phồng tôm vừa coi Táo Quân, rồi lại bận rộn soạn cỗ. 12 giờ đêm cả nhà ngắm pháo hoa, nghe nhạc Tết, quây quần bên mâm cỗ giao thừa, ăn phồng tôm, gặm thịt gà, uống bò húc. Tết thiêng liêng nhất là thời khắc giao thừa đó.

Tết của trẻ con là vui mừng, háo hức. Tết của người lớn là bận rộn, lo toan. Thế nhưng ai cũng mong đến Tết, bởi lẽ Tết chính là cái cớ để trở về. Bất cứ ai, dù ở bất cứ nơi nào, cứ đến Tết thì đều sẽ mong được về nhà. Tết giữa mùa đông, nhưng lại là khoảng thời gian ấm áp và hạnh phúc nhất trong năm.

23 Tết Ông Táo, nhớ nhà, thèm Tết…