Đăng trong Dương cảm

Một giá đầy những sách

1. Chuyện con mèo dạy hải âu bay

Cái tên đã trở thành quá nổi tiếng, nổi đến mức phải quyết tâm đọc một câu chuyện-dành-cho-trẻ-con khi đã hai mươi mốt.

Đây là một câu chuyện thực sự dành cho trẻ con, từ cốt truyện giản dị đến cách sử dụng từ ngữ dễ hiểu cũng như cách xây dựng các chi tiết rất đỗi giản đơn và nhỏ bé.

Mình không ấn tượng nhiều lắm với Zorba, ngoài cái chi tiết “con mèo mun to đùng, mập ú” mà tác giả dành hẳn một chương để miêu tả. Thay vào đó, mình rất thích cái cách chung sống hòa hợp như một cộng đồng khăng khít của những con mèo trên bến cảng: có con mèo Đại Tá, có mèo giáo sư Einstein, có mèo chạy vặt Secretario, có mèo thủy thủ Bốn Biển, có con mèo công chúa Angelina… Những con mèo với tính cách chân thật và gần gũi đều vô cùng dễ thương. Nên mình nghĩ, có lẽ thay vì “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” thì câu chuyện này nên có tên là “Chuyện những con mèo dạy hải âu bay”.

DSC00318

Nếu đọc câu chuyện này năm năm tuổi, có lẽ mình sẽ thấy nó thật thú vị.

Nếu đọc câu chuyện này năm mười một tuổi, có lẽ mình đã cảm nhận được cái hay của nó.

Nhưng đọc ở năm hai mươi mốt tuổi, tâm hồn mơ mộng của trẻ thơ đã không còn nhiều, và mình nhìn nhận câu chuyện với đôi phần xét nét. Như là, chú chim bay dễ dàng đến thế, từ một đài cao, thả mình xuống và vươn cánh như là bản năng, vậy mà trước đó lại là cả một quá trình “nghiên cứu” đầy học thuật phức tạp và chỉ có thất bại của những chú mèo.

Nhưng mà, dù sao thì đây cũng là một cuốn sách đáng đọc. Ít ra thì mình cũng sẽ khuyên đọc.

“Để biết bay, trước hết bản thân con phải muốn bay.”

2. Đường đua của những giấc mơ

Mình không thấu hiểu, nhưng có thể tưởng tượng được cảm giác đó của Jessica, khi cô ấy bị mất một bên chân, sau khi lập kỷ lục tại một cuộc thi đấu điền kinh.

Cô ấy là một vận động viên điền kinh, và cô ấy bị cưa mất một chân.

Thế giới của cô ấy dường như bị sụp đổ. Cô ấy không nhìn thấy tương lai. Và cô ấy oán trách tất cả mọi người, bởi vì chỉ có mình cô ấy phải chịu đựng nỗi đau và mất mát này.

Nhưng mà cô ấy không đánh mất giấc mơ của mình. Bởi vì bên cạnh cô ấy có một gia đình tuyệt vời, một người bạn thân tuyệt vời, và những người đồng đội cũng hết sức tuyệt vời.

Cô ấy lại tiếp tục thực hiện giấc mơ được chạy của mình.

DSC00316 (2)

Mọi người nói, đây là một cuốn sách truyền cảm hứng, bởi vì nó tiếp sức cho người đọc từ trong nỗi tuyệt vọng. Một vận động viên điền kinh không còn một chân còn có thể sống tiếp, và sống tốt, vậy thì vài chuyện không may mắn nhỏ nhoi trong cuộc sống bình thường này có là gì? Lạc quan một chút, mọi chuyện sẽ đều tốt đẹp hơn, có phải không?

Kỳ thực, mình không cảm nhận được lửa trong cuốn sách này nhiều như mọi người nói. Bởi lẽ, không phải ai cũng may mắn có những người bên cạnh tuyệt vời như Jessica. Cuộc sống, đôi khi khắc nghiệt hơn cả thế. Không phải ở nơi nào, người ta cũng sẽ tiếp sức cho tương lai và giấc mơ của một con người nhỏ bé như vậy. Có những người, giống như Jessica, mất đi một phần thân thể, mất đi niềm tin vào tương lai, nhưng còn bị cái nhìn của xã hội làm mất luôn cả dũng khí tiếp tục sống và làm lại. Họ sống không tốt…

Mình sẽ không nhìn cuộc sống từ khía cạnh bi quan như vậy nữa.

Mình chỉ muốn nói, ở đâu đó, một phần giấc mơ bị đánh mất, nhưng chúng ta không bao giờ bị tước đoạt trọn vẹn mọi thứ. Cố gắng chấp nhận hiện tại và thay đổi tương lai theo một hướng-không-ngoài-ý-muốn có lẽ là một cách sống tốt.

3. Từ thăm thẳm lãng quên

Khá “vất vả” mới mua được cuốn sách này, sau khi nhìn thấy rất nhiều đánh giá tốt và khuyên đọc.

Mình biết, đây là một cuốn sách khó đọc.

Từ miền nhớ hoang hoải, những ký ức ùa về.

Jacquelin nói: “Nếu cứ mười lăm năm chúng ta lại gặp nhau một lần, lần tới nhiều khả năng anh sẽ chẳng nhận ra em đâu.”

DSC00314

 

Mình nghĩ, nếu như lúc trước mình bớt đọc truyện ngôn tình Trung Quốc, dành thêm thật nhiều thời gian để nghiền ngẫm những tác phẩm lãng mạn kinh điển kiểu như “Cuốn theo chiều gió” hay “Đồi gió hú”, hoặc chỉ đơn giản là đọc thêm văn học phương Tây, thì bây giờ mình có thể cảm nhận được cái hay của “Từ thăm thẳm lãng quên” không.

Mình không phủ nhận đây là một cuốn sách hay, nhưng mình không lý giải được vì sao câu chuyện này lại được giải Nobel văn chương. Có lẽ, mình chưa đủ tầm để hiểu được phần hồn, phần lắng, phần chìm trong văn phương Tây.

Ở đây, mình cảm nhận được phần ký ức xa xôi của “tôi”, nhưng không cách nào hiểu hết tâm tình của người đó. Những ký ức chợt thoáng qua thoảng lại, đan xen vào nhau, hòa quyện lại.

Mình rất thích hai chữ “mịn màng” khi người ta nói về đoạn ký ức đó. Nhưng mà cái cách chữ “bỗng” xuất hiện bên cạnh đó lại làm mình ngờ ngợ. Câu chuyện của quá khứ, ký ức mịn màng, ám ảnh vô tận…

4. Ba ơi, mình đi đâu?

DSC00320

Thật sự rất hay.

Một câu chuyện buồn, hoặc thậm chí là đau thương, nhưng tác giả lại khiến người đọc không cách nào rơi nước mắt.

Mình sẽ không dành thêm lời nào để review lại nội dung của “ba ơi, mình đi đâu” nữa, mình chỉ tóm lại một câu là: ai cũng nên đọc.

Vì sao lại có thể đoạt giải Fémina, vì sao lại trở thành tâm điểm của mùa văn học Pháp 2008, chỉ cần đọc vài trang sẽ hiểu. Thấm đẫm tình yêu, thấm đẫm nhân văn.

Đọc, cười, và nhớ.

 

DSC00321