Đăng trong Lặt vặt

Lặt vặt

Hôm nay là ngày Gia đình Việt Nam, mình đăng lên facebook một video, có viết: “Mọi đứa con, dù ngoan tới đâu, thì cũng đã từng có lúc mang trong đầu suy nghĩ phản kháng.”

1. Trước lúc lên đại học, mình cảm thấy, từ ngữ phù hợp nhất để miêu tả mẹ là “khó tính”. Thật luôn ấy, mẹ là kiểu phụ nữ vô cùng truyền thống, ngay từ nhỏ mình đã được mẹ rèn cho bao nhiêu là thứ, như là “nét chữ nết người”, rồi thì làm gì cũng phải để ý cho ra dáng “con gái con gớm”. Khi đó rất sợ mẹ, trước lúc làm chuyện gì cũng nghĩ xem làm thế này có bị mẹ mắng hay không, dần dần, nó trở thành một thói quen cố hữu, một lối nghĩ.

Khi đó, mỗi lần bị mẹ “lạnh mặt”, trong đầu chỉ mong học nhanh nhanh cho xong 12 rồi đi đâu thì đi, khỏi bị mẹ quản nữa. Đến lúc đi thật rồi đôi khi lại rất nhớ nhà, đôi khi nghĩ, giờ có muốn bị mẹ mắng cũng chẳng mấy khi có dịp.

Mình lên đại học rồi, chợt cảm thấy mẹ tâm lý hơn hẳn. Có lẽ là vì ít khi được về nhà, mỗi lần về cũng chỉ được vài ba ngày, cho nên cả hai mẹ con đều thay đổi cách nghĩ, thay vì những lời dạy dỗ nghiêm khắc thì mẹ dành thời gian của những cuộc điện thoại ngắn ngủi để quan tâm dặn dò, cho nên mình cảm thấy mẹ bớt khó tính hơn, mẹ quan tâm nhiều hơn.

NHÀ chính là như thế, nơi mà ta vùng vẫy muốn giãy thoát để được tự do bay đi, để rồi sau đó lại thèm khát được quay về.

2. Hai chị em xấp xỉ tuổi nhau, cho nên lúc nhỏ rất hay tị nạnh nhau. Mua quần áo hay giày dép gì cũng phải giống nhau, kể cả cái kẹp tóc của đứa này cầu kỳ hơn của đứa kia cũng bắt mẹ đi đổi cho bằng được. Đến tận bây giờ vẫn nhớ bà ngoại thường hay nói “chị em gái như trái cau non”, chị em thì phải thương nhau.

Lúc ở nhà luôn cảm thấy bố mẹ thiên vị cho con em, cái gì chị cũng phải nhường em, cái gì cũng thấy nó sướng hơn mình. Sau này mới biết, con em cũng cảm thấy bố mẹ thiên vị cho chị, để nó thiệt thòi. Mẹ thì hay nói, hai đứa cứ nạnh nhau cả ngày thế thôi, chớ đi đâu về nhà mà không thấy đứa kia là hỏi ngay.

Đúng là nạnh nhau thì nạnh thế thôi, hai đứa cực kỳ thương nhau. Bây giờ hai đứa lớn cả rồi, chả bao giờ tị nạnh nhau cái gì nữa, hở ra cái gì cũng nói với nhau, ăn cái gì khác khác ngày thường cũng khoe nhau ngay, có cái gì cũng nghĩ tới đứa kia trước tiên. Đôi khi mẹ gọi điện, hỏi ăn cơm chưa xong thì hỏi hôm nay hai đứa đã nhắn tin với nhau chưa.

3. Nhiều điều bố mẹ làm, lúc còn nhỏ mình cho rằng đó là đương nhiên, lớn lên rồi mới biết đó là trả giá.

Nhà không dư giả gì, nhưng tiền học của hai đứa, mẹ luôn cố gắng đóng đủ từ sớm, không đầu tiên lớp thì cũng nằm trong “top 5”, bởi vì mẹ luôn có một đôi lợn “vừa đủ lớn” để bán ngay trước lần họp phụ huynh đầu năm. Hai đứa chưa từng bị nêu tên vì chậm tiền học. Đó là bài học đầu tiên về lòng tự trọng mà mẹ dùng tiền để đổi về.

Lớp một phải viết bằng bút chì, một cây bút chì 500 đồng, một cây bút chì ngòi 1200 đồng, trong lớp rất nhiều bạn có, mình cũng muốn có, và thế là có. Lên lớp hai được viết bút bi, khi đó có một loại bút viết ra mực rất thơm, giá hơn 2000 đồng, mình đòi cho bằng được, và thế là được mua. Lớp năm, trường yêu cầu học sinh phải sơ vin khi đi học, sơ vin thì phải có thắt lưng, mẹ bảo bố mua cho một cái, mình không thích, ủ rũ cả mấy ngày, sau đó mình bị ốm, ngủ một giấc, tỉnh dậy thì vừa có cái thắt lưng đẹp đẹp, vừa có một gói kẹo xốp màu sắc sặc sỡ mà mình rất thèm ăn nhưng mẹ không cho vì đó là “hàng Trung Quốc tẩm thuốc màu, ăn rất độc”. Bây giờ, 500 đồng chẳng đủ để cấu thành một đơn vị tiền tệ, nhưng gần hai mươi năm trước, 100 đồng đã đủ mua cả một đống vòng thun để chơi cả tháng. Những cái “và thế là” kia chẳng hề giản đơn.

Năm nhất đại học ở Hà Nội, mình xin bố mẹ đổi điện thoại, mua một chiếc smartphone mới, 5 ngày sau, bị giật túi trên đường đi học, mất bao nhiêu là giấy tờ, mất luôn cả chiếc điện thoại mới. Bây giờ, khi mình đã dư sức tự mua một chiếc điện thoại “xịn” hơn vậy gấp mấy lần, mẹ mới nói về số tiền bố mẹ đã vay để gửi cho mình mua chiếc điện thoại kia, mẹ nói đó là khoản tiền mà mẹ tiếc nhất. Phải, dù tiếc, nhưng con cái cần, bố mẹ luôn có sẵn.

4. Mẹ là người truyền thống, hay để ý đến cái nhìn của người xung quanh, làm gì cũng nghĩ coi người ta có nói gì hay không. Bảo mẹ với bố đi chơi, mẹ bảo nhà có giàu có gì đâu mà đi chơi, rồi người ta lại tưởng nhà lắm tiền, người ta nói này nói nọ. Có lẽ là vì cách nghĩ của mình hơi “tư bản hóa”, cho nên thực sự rất mệt với mấy cái “người ta” của mẹ, không hiểu sao cuộc đời của mình mà cứ phải sống vì “người ta” như vậy. Mình hay bảo mẹ, ngày xưa con nghe mẹ, bây giờ đến lượt mẹ phải nghe con đi. Nói thế thôi chớ cũng không biết đến ngày nào mẹ mới bớt đi những lối nghĩ cộng đồng để sống vì bản thân hơn một chút. Ây dà, mà thôi, mẹ có đổi hay không thì cũng vẫn cứ là mẹ của mình thôi.

Nhân ngày Gia đình Việt Nam, chúc cho mọi gia đình – tổ ấm của những người yêu nhau – sẽ luôn được hạnh phúc.