Đăng trong Lặt vặt

Trung Quốc 4.0

Mình vừa trở về sau mười ngày lông bông ở Trung Quốc. Ông cha ta nói “đi một ngày đàng học một sàng khôn” chẳng sai tí nào, đi rồi mới thấy Trung Quốc khác lắm với những gì xưa nay được biết.

1. Người Trung Quốc không còn dùng tiền mặt nữa, họ dùng mã QR. Điện thoại là tất cả tài sản của họ.

2. Thâm Quyến là một thành phố lớn với tốc độ phát triển vượt bậc, ở đó bạn sẽ bắt gặp robot ở tất cả mọi tụ điểm kinh tế như sân bay, ngân hàng, siêu thị,… Tất cả máy móc đều rất hiện đại, và nếu tới Thâm Quyến, bạn sẽ có cảm giác như đang đi trước thời đại.

Quảng Châu cũng là một thành phố lớn, và đồng nghĩa với thành phố lớn là giá cả đắt đỏ. Cùng một mặt hàng, giá ở Quảng Châu có thể đắt gấp rưỡi, thậm chí là gấp đôi, gấp ba ở các thành phố thuộc loại vừa và nhỏ.

Hàng Châu là một thành phố nhỏ, “nhỏ” ở Trung Quốc không phải là ở diện tích mà là ở quy mô kinh tế. Nhưng theo như lời của một số bạn Trung Quốc khác, giá cả ở Hàng Châu có thể xem là đắt đỏ so với tầm phát triển của nó.

3. Người nước ngoài tới Hàng Châu ai cũng biết Tây Hồ. Tây Hồ được mệnh danh là hồ đẹp nhất Trung Quốc, nhưng thực ra lại chẳng khác lắm Hồ Gươm, từ lối đi bộ, những bức tượng đài, những cửa hàng bán đồ lưu niệm cho đến những hàng cây rủ bóng bên hồ. Điểm khác biệt lớn nhất giữa Tây Hồ và Hồ Gươm là Tây Hồ rộng hơn Hồ Gươm rất nhiều, và nước Tây Hồ trong vắt với rất nhiều sen được trồng quanh hồ. Một chị người Mỹ nói rằng, nếu đã từng ghé qua Hồ Gươm thì người ta sẽ không còn trầm trồ trước Tây Hồ nữa.

Làng Long Tỉnh nằm khá gần Tây Hồ và bạt ngàn trà, đến nỗi nếu bạn có xách theo cả một cái giỏ và hái lá trà thì chắc cũng sẽ chẳng có ai cản bạn. Làng Long Tỉnh siêu đẹp, nếu nhìn từ trên cao xuống, nhưng để leo lên được cái độ cao đủ để tận hưởng cái đẹp đó thì cũng đủ mệt nhoài, đến nỗi muốn lăn luôn từ trên đỉnh xuống đồi trà bên dưới. Nhưng quanh đồi trà làng Long Tỉnh còn có rất nhiều cảnh đẹp khác để tham quan, và bạn sẽ thấy Trung Quốc đã đầu tư du lịch tới mức ngay cả trong rừng hay trên núi cũng lắp đặt những máy cảm ứng để mà chỉ cần bạn bước qua, bạn sẽ lập tức được nghe đầy đủ thông tin về điểm bạn đang dừng chân – một cách hoàn toàn tự động.

4. Mình chưa tới Trùng Khánh, nhưng có vài người bạn Trùng Khánh. Họ nhiệt tình hơn hẳn người đến từ các vùng miền khác của Trung Quốc. Có lẽ là liên quan tới tập tục, tính cách của họ rất cởi mở, có thể dùng một từ để khái quát cả con gái Trùng Khánh là “bạo”. “Bạo” cả trong làm việc, ăn uống và nói năng. Nhưng tiếp xúc với người Trùng Khánh thực sự rất tuyệt.

5. Người Trung Quốc vô cảm với nhau nhưng lại rất nhiệt tình với bè bạn quốc tế, càng tây họ lại càng nhiệt tình. Và người Trung Quốc không ghét người Việt Nam. Lúc mình hỏi đường, họ chỉ sơ sơ, nhưng sau khi nghe mình nói mình là người Việt Nam tới Trung Quốc chơi, họ dẫn mình tới tận cửa tòa nhà, sau đó còn nhờ một người khác sống trong đó dẫn lên tận nơi.

6. Một điều mà bạn phải chuẩn bị tinh thần trước khi tới Trung Quốc là người Trung Quốc nói tiếng Anh rất kém. Một số người trẻ Trung Quốc nói tiếng Anh hay, nhưng phần đông người Trung Quốc không biết tiếng Anh, người trẻ có biết thì cũng biết rất ít, và cách phát âm tiếng Anh của người Trung Quốc không giống với những gì xưa nay bạn thường được biết. Thậm chí, bạn đừng hy vọng nhiều kể cả ở sân bay hay ga tàu, nhân viên sân bay và cả hải quan cũng biết rất ít tiếng Anh. Các bạn Trung Quốc bảo rằng, thế giới của người Trung Quốc là “inside China”, họ không cần tới tiếng Anh. Cho nên nếu muốn đến Trung Quốc, hãy dắt lưng một ít tiếng Trung cơ bản đi. Người Trung Quốc sẽ nhiệt tình nếu bạn là người nước ngoài, nhưng sẽ còn cởi mở hơn nếu bạn có thể trò chuyện với họ vài câu tiếng Trung.

7. Một chuyện đã từng gây tranh cãi, đó là chuyện “mua vợ Việt”. Nói “mua vợ” thì không đúng lắm, nhưng sự thật thì ở Trung Quốc, “vợ Việt Nam” rất rẻ. Muốn kết hôn với một cô gái Trung Quốc, bên nhà trai phải có nhà, có xe (trừ những cô gái sẵn sàng đồng cam cộng khổ với chồng). Muốn kết hôn với một cô gái Việt Nam thì sao? Chỉ cần một lễ cưới, và họ hàng làng xóm xuýt xoa rằng con gái nhà đó lấy chồng bên Tàu! Đừng bảo con gái Trung Quốc thực dụng, đó là cái giá để bố mẹ bên nhà gái tin rằng con mình gả đi sẽ không đến nỗi phải chịu khổ. Chênh lệch giới tính khiến con gái Trung Quốc trở nên có giá. Người Việt Nam hò hét lên án người Trung Quốc “mua vợ”, nhưng xin thưa rằng, “mua vợ” chỉ là cách gọi của một cuộc hôn nhân mà ở đó chàng trai Trung Quốc phải bỏ ít vốn hơn so với lấy một người vợ trong nước, và trong cuộc hôn nhân này, hai bên đều bình đẳng. Mình không khuyến khích cũng chẳng lên án, bởi lẽ đây là hôn nhân, không phải là buôn người bất hợp pháp, rất nhiều phụ nữ Việt Nam vẫn lấy chồng Trung Quốc.

Cũng không phải là muốn lật lại chuyện cũ lên nói, chẳng qua là tới Trung Quốc mấy ngày khiến mình được mở mang tầm mắt rất nhiều, biết được nhiều thứ không như những gì dân mình hay đồn thổi. Chắc chắn mình sẽ quay lại Trung Quốc với một kế hoạch dài hơi hơn, ở lại lâu hơn và biết nhiều hơn về Trung Quốc.

 

 

 

 

 

 

 

Đăng trong Lặt vặt

Lặt vặt – 2

26/03/2019

1. Mình bắt tay vào đào hố “Chỉ có mỹ thực và yêu là không thể phụ lòng” được tầm vài ngày thì trên mạng hot chuyện anh Dương Dương với chị người yêu béo mập, cũng không biết có phải là trùng hợp không nữa. 🙂 Mình rất ngưỡng mộ, nhưng mình cũng biết, mặc dù câu chuyện của họ chứng minh rằng “không phải cứ béo mập thì không thể có người yêu”, nhưng trên đời không có được bao nhiêu người như anh Dương Dương, xã hội này vẫn rất coi trọng vẻ bề ngoài. Bạn tốt, nhưng bề ngoài bạn phải đủ để người ta chấp nhận tới gần thì mới có cơ hội phát hiện ra cái tốt của bạn.

Mình bây giờ cứ thấy người ta hạnh phúc thì cũng sẽ cảm thấy vui vẻ, cho nên dù chẳng quen biết gì thì mình cũng mừng cho hai người họ và mong họ sẽ hạnh phúc dài lâu.

2. Đêm hôm trước được tag vào một bài trích dẫn trong “THƯ QUÁN”, phân tích về cái chết của vua Quang Trung từ góc độ y khoa. Bài viết rất hay, đáng tiếc cuối cùng vẫn chỉ có thể kết luận rằng “hai câu trả lời trên là “khả dĩ nhất” và “có độ đáng tin cậy cao nhất” mà chúng ta ngày nay có thể suy diễn được từ các tư liệu sử học còn lưu lại và qua các hiểu biết của Y khoa ngày nay về căn bệnh và về nguyên nhân tử vong của vua Quang Trung.”

Mình không đọc xuyên không và các thể loại xuyên khác vì luôn cho rằng nó quá thiếu thực tế, nhưng mà lúc được tag vào bài viết đó, tự dưng mình có suy nghĩ ước gì mình được xuyên về thời vua Quang Trung trị vì :))) Bao nhiêu năm nay, đọc bao nhiêu sách sử vẫn luôn canh cánh câu hỏi “tại sao vua Quang Trung đột ngột băng hà?”

3. Sẵn nói về vua Quang Trung thì nói luôn về thần tượng của mình đi.

Thần tượng của người ta đều là ca sĩ diễn viên các kiểu, còn thần tượng “bền vững” nhất của mình lại là vua Lê Thánh Tông và vua Quang Trung (bền vững là bởi vì từ nhỏ tới giờ vẫn luôn hâm mộ). Ờ, lý do thì các bạn biết đấy, sách giáo khoa lịch sử miêu tả hai vị vua này rất tuyệt vời. Sau đó đọc thêm các thể loại sách sử, nghe được khá là nhiều chuyện không-mấy-tốt-đẹp về hai vị vua này, ví dụ như vua Hồng Đức đã giết hại chính anh em ruột của mình trước khi giành được ngôi vua, rồi cuối đời bị bệnh như thế nọ như thế kia, hay là vua Quang Trung với vợ như thế nào, nói chung là làm tan vỡ hình tượng hoàn mỹ mà trước kia mình tưởng tượng ra, thế mà lại vẫn cứ ngưỡng mộ, bởi vì dù có bao nhiêu gièm pha thì các nhà sử học cũng không thể phủ nhận được công lao to lớn của các vị ấy đối với đất nước. Mình biết là nhiều vị anh hùng khác cũng có công lao to lớn với đất nước chứ, nhưng mà mình có cái tính rất là coi trọng ấn tượng đầu tiên, đã nhận định rồi thì khó mà thay đổi được, ví dụ như mình không thích chúa Nguyễn Ánh, bởi vì sách giáo khoa Lịch sử dạy mình rằng ông này “cõng rắn cắn gà nhà” (một câu nhớ đời luôn), cho nên dù sau này bao nhiêu sách sử đánh giá tài năng và công lao của Nguyễn Ánh vĩ đại tới chừng nào thì mình vẫn cứ không thích.

Mình thích đọc sử, ở khía cạnh văn hóa – xã hội, và thích cảm sử theo cách tin của mình, dù nó trái ngược với cách mà các nhà sử học cho là đúng. Hy vọng là thói quen này sẽ có thể theo mình tới già luôn.

4. Hôm chủ nhật mới dành cả một ngày để đi coi đá bóng. Thằng con trai nào vào sân bóng cũng mong giành được chiến thắng hết (đương nhiên, đây là bản năng con người), nhưng nói thật là có những người quá hiếu chiến và hiếu thắng. Mình chẳng hiểu gì về thể thao, chẳng biết chơi thế nào là hay, nhưng mình có cảm nhận trực quan. Mình nghĩ, hẳn là mọi khán giả đều không chỉ mong chờ một trận đấu hay mà còn mong chờ một trận đấu “đẹp”, nhưng đôi khi, sự nóng nảy vì hiếu thắng của một số cầu thủ làm khán giả cảm thấy không được vui vẻ cho lắm.

 

 

 

 

 

Đăng trong Lặt vặt

Lặt vặt – 1

22/03/2019

1. Chứng “ép buộc” của mình càng ngày càng nghiêm trọng. Tới cửa phòng người khác nhìn thấy giày dép để xốc xếch nhất định phải đi tìm xếp lại ngay ngắn từng đôi. Đọc truyện nhìn thấy những lỗi chính tả kiểu quen dùng nhầm từ thì rất là bực mình, rất muốn hỏi người ta có cần người soát lỗi trước khi đăng không. Thiệt là rảnh rỗi.

2. Hôm qua thấy có đứa bạn trên mạng chia sẻ về thói quen thời gian theo cung hoàng đạo. Không biết là điều đó có đúng hay không, nhưng nó khiến mình nhớ tới một chuyện cũ.

Tốt nghiệp cấp ba xong, bạn cùng lớp tổ chức liên hoan tại nhà, dặn mình 3h chiều có mặt. Mình tới đúng giờ, và tá hoả khi thấy lớp đã có mặt gần đông đủ. Mình hoảng vì tưởng là nhìn nhầm giờ nên tới muộn, bởi trong tất cả mọi cuộc chơi của lớp, hẹn 7h sáng thì tới 8h sẽ được khoảng một nửa số thành viên có mặt. Sau đó bạn mình cho biết rằng, nó dặn cả lớp là 2h bắt đầu, chỉ để mình khỏi phải lãng phí thời gian chờ mọi người.

Thực ra mình luôn biết đi đúng giờ sẽ phải lãng phí cả tiếng để chờ người khác, nhưng mình thà lãng phí thời gian chứ không muốn muộn giờ hẹn. Một phần là vì thói quen đúng giờ, một phần là vì sợ cảm giác đến muộn. Đi học cũng vậy, mình sợ cảm giác “lạc lõng” khi vào lớp sau giáo viên, cho nên nếu không thể đi học đúng giờ, mình sẽ nghỉ hẳn cả tiết.

3. Tối nay mình vừa đi tham gia một cuộc hùng biện tiếng Anh, chủ đề là “Love or Career”. Nhóm mình bảo vệ cho ý kiến sự nghiệp quan trọng hơn. Nhóm đối lập, để chứng minh rằng tình yêu (bọn mình đang nói về tình yêu nam nữ chứ không phải tình yêu nói chung) quan trọng hơn, đã khẳng định rằng, “if you don’t have a boyfriend, you are only a robot”. Mình đã đáp lại rằng, mình đang sống độc thân rất ổn, làm những gì mình thích, mình không cần phải quan tâm ý kiến của người khác trước khi làm bất cứ việc gì, và dù không có bạn trai, mình vẫn còn bố mẹ, em gái và bạn thân. Và các bạn bên đối lập vẫn khăng khăng rằng phải là người yêu chứ không phải là gia đình hay bạn bè, và mình vẫn chỉ là một con robot nếu mình sống mà không có tình yêu nam nữ. Mình rất muốn nhếch môi cười nhạo một tiếng. Và còn ai đó đã tỏ vẻ rất khinh thường mà nói rằng “you will die alone?”. Tốt thôi, các bạn cứ yêu phần của các bạn, và tôi vẫn cứ sống tốt cuộc đời tôi, dù tôi chỉ có bố mẹ, người thân, bạn bè, sở thích và những thói quen khiến tôi hạnh phúc, và tôi chẳng có “tình yêu” mà các bạn cho là thứ duy nhất khiến người ta là con người chứ không phải robot.