Đăng trong Lặt vặt

Phim mỹ thực

Mình ngoi lên để giới thiệu mỹ thực cho các bạn đây, lần này không phải truyện mỹ thực, cũng không phải chuyên đề mỹ thực nữa mà là phim mỹ thực nhé. Hiện tại mình đang xem Thập Sát Hải trên CCTV, phim kể về một gia đình đầu bếp nổi tiếng ở Bắc Kinh, cho nên trong phim ngoài kịch tính ra thì còn có vô số cảnh quay mỹ thực truyền thống siêu hấp dẫn. Theo như mình tìm thử trên mạng thì hình như đã có cả Vietsub cả thuyết minh, mà không biết là đã trọn bộ chưa, bạn nào có hứng thú thì có thể xem thử.

Thực ra mình cũng rảnh rỗi khá lâu rồi, cho nên rất xin lỗi vì mãi chưa thể đào hố làm truyện mới được. Trong bài khảo sát, ngoài những ý kiến đáng quý mà mình nhận được về trang thì còn nhận được rất nhiều đề cử truyện mới. Thời gian vừa rồi mình cũng nhai khá nhiều truyện mỹ thực, nhưng thật sự thì không cảm thấy hứng thú với truyện nào cho lắm, dạo này lại đang tích cực cày show với phim hơn là cày truyện cho nên vẫn chưa tìm được truyện ưng ý. Mình đã đọc xong bộ Kinh hoa tử ngọ (cùng tác giả với Tiệm cơm nhỏ thành Trường An) rồi, truyện cũng hay, nhưng vì yếu tố mỹ thực trong truyện hơi ít so với độ dài của truyện, mà mình thì lại không muốn làm thể loại trinh thám cho lắm, cho nên vẫn lấn cấn mãi chưa bắt đầu làm. Trong lúc chưa có truyện mới, mọi người có thể xem phim nhé, dạo này mình thấy hơi bị nhiều phim hay luôn. Và cũng chúc mọi người khỏe mạnh trong tình hình dịch đang rất phức tạp nhé.

Cảm ơn các bạn.

 

 

Đăng trong Lặt vặt

Thủ hộ

Bài hát mới sub gửi tặng các y bác sĩ đang ngày đêm bận rộn chống dịch. Đây là ca khúc được đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Hiệp Hòa Bắc Kinh tham gia viện trợ chống dịch ở Hồ Bắc biểu diễn trong chương trình Kinh điển vịnh lưu truyền mùa 3.

Mong rằng ở nhà chóng dập tắt dịch bệnh. Mong các bạn khỏe mạnh đi qua mùa dịch nhé.

 

Đăng trong Lặt vặt

Trung Quốc 4.0

Mình vừa trở về sau mười ngày lông bông ở Trung Quốc. Ông cha ta nói “đi một ngày đàng học một sàng khôn” chẳng sai tí nào, đi rồi mới thấy Trung Quốc khác lắm với những gì xưa nay được biết.

1. Người Trung Quốc không còn dùng tiền mặt nữa, họ dùng mã QR. Điện thoại là tất cả tài sản của họ.

2. Thâm Quyến là một thành phố lớn với tốc độ phát triển vượt bậc, ở đó bạn sẽ bắt gặp robot ở tất cả mọi tụ điểm kinh tế như sân bay, ngân hàng, siêu thị,… Tất cả máy móc đều rất hiện đại, và nếu tới Thâm Quyến, bạn sẽ có cảm giác như đang đi trước thời đại.

Quảng Châu cũng là một thành phố lớn, và đồng nghĩa với thành phố lớn là giá cả đắt đỏ. Cùng một mặt hàng, giá ở Quảng Châu có thể đắt gấp rưỡi, thậm chí là gấp đôi, gấp ba ở các thành phố thuộc loại vừa và nhỏ.

Hàng Châu là một thành phố nhỏ, “nhỏ” ở Trung Quốc không phải là ở diện tích mà là ở quy mô kinh tế. Nhưng theo như lời của một số bạn Trung Quốc khác, giá cả ở Hàng Châu có thể xem là đắt đỏ so với tầm phát triển của nó.

3. Người nước ngoài tới Hàng Châu ai cũng biết Tây Hồ. Tây Hồ được mệnh danh là hồ đẹp nhất Trung Quốc, nhưng thực ra lại chẳng khác lắm Hồ Gươm, từ lối đi bộ, những bức tượng đài, những cửa hàng bán đồ lưu niệm cho đến những hàng cây rủ bóng bên hồ. Điểm khác biệt lớn nhất giữa Tây Hồ và Hồ Gươm là Tây Hồ rộng hơn Hồ Gươm rất nhiều, và nước Tây Hồ trong vắt với rất nhiều sen được trồng quanh hồ. Một chị người Mỹ nói rằng, nếu đã từng ghé qua Hồ Gươm thì người ta sẽ không còn trầm trồ trước Tây Hồ nữa.

Làng Long Tỉnh nằm khá gần Tây Hồ và bạt ngàn trà, đến nỗi nếu bạn có xách theo cả một cái giỏ và hái lá trà thì chắc cũng sẽ chẳng có ai cản bạn. Làng Long Tỉnh siêu đẹp, nếu nhìn từ trên cao xuống, nhưng để leo lên được cái độ cao đủ để tận hưởng cái đẹp đó thì cũng đủ mệt nhoài, đến nỗi muốn lăn luôn từ trên đỉnh xuống đồi trà bên dưới. Nhưng quanh đồi trà làng Long Tỉnh còn có rất nhiều cảnh đẹp khác để tham quan, và bạn sẽ thấy Trung Quốc đã đầu tư du lịch tới mức ngay cả trong rừng hay trên núi cũng lắp đặt những máy cảm ứng để mà chỉ cần bạn bước qua, bạn sẽ lập tức được nghe đầy đủ thông tin về điểm bạn đang dừng chân – một cách hoàn toàn tự động.

4. Mình chưa tới Trùng Khánh, nhưng có vài người bạn Trùng Khánh. Họ nhiệt tình hơn hẳn người đến từ các vùng miền khác của Trung Quốc. Có lẽ là liên quan tới tập tục, tính cách của họ rất cởi mở, có thể dùng một từ để khái quát cả con gái Trùng Khánh là “bạo”. “Bạo” cả trong làm việc, ăn uống và nói năng. Nhưng tiếp xúc với người Trùng Khánh thực sự rất tuyệt.

5. Người Trung Quốc vô cảm với nhau nhưng lại rất nhiệt tình với bè bạn quốc tế, càng tây họ lại càng nhiệt tình. Và người Trung Quốc không ghét người Việt Nam. Lúc mình hỏi đường, họ chỉ sơ sơ, nhưng sau khi nghe mình nói mình là người Việt Nam tới Trung Quốc chơi, họ dẫn mình tới tận cửa tòa nhà, sau đó còn nhờ một người khác sống trong đó dẫn lên tận nơi.

6. Một điều mà bạn phải chuẩn bị tinh thần trước khi tới Trung Quốc là người Trung Quốc nói tiếng Anh rất kém. Một số người trẻ Trung Quốc nói tiếng Anh hay, nhưng phần đông người Trung Quốc không biết tiếng Anh, người trẻ có biết thì cũng biết rất ít, và cách phát âm tiếng Anh của người Trung Quốc không giống với những gì xưa nay bạn thường được biết. Thậm chí, bạn đừng hy vọng nhiều kể cả ở sân bay hay ga tàu, nhân viên sân bay và cả hải quan cũng biết rất ít tiếng Anh. Các bạn Trung Quốc bảo rằng, thế giới của người Trung Quốc là “inside China”, họ không cần tới tiếng Anh. Cho nên nếu muốn đến Trung Quốc, hãy dắt lưng một ít tiếng Trung cơ bản đi. Người Trung Quốc sẽ nhiệt tình nếu bạn là người nước ngoài, nhưng sẽ còn cởi mở hơn nếu bạn có thể trò chuyện với họ vài câu tiếng Trung.

7. Một chuyện đã từng gây tranh cãi, đó là chuyện “mua vợ Việt”. Nói “mua vợ” thì không đúng lắm, nhưng sự thật thì ở Trung Quốc, “vợ Việt Nam” rất rẻ. Muốn kết hôn với một cô gái Trung Quốc, bên nhà trai phải có nhà, có xe (trừ những cô gái sẵn sàng đồng cam cộng khổ với chồng). Muốn kết hôn với một cô gái Việt Nam thì sao? Chỉ cần một lễ cưới, và họ hàng làng xóm xuýt xoa rằng con gái nhà đó lấy chồng bên Tàu! Đừng bảo con gái Trung Quốc thực dụng, đó là cái giá để bố mẹ bên nhà gái tin rằng con mình gả đi sẽ không đến nỗi phải chịu khổ. Chênh lệch giới tính khiến con gái Trung Quốc trở nên có giá. Người Việt Nam hò hét lên án người Trung Quốc “mua vợ”, nhưng xin thưa rằng, “mua vợ” chỉ là cách gọi của một cuộc hôn nhân mà ở đó chàng trai Trung Quốc phải bỏ ít vốn hơn so với lấy một người vợ trong nước, và trong cuộc hôn nhân này, hai bên đều bình đẳng. Mình không khuyến khích cũng chẳng lên án, bởi lẽ đây là hôn nhân, không phải là buôn người bất hợp pháp, rất nhiều phụ nữ Việt Nam vẫn lấy chồng Trung Quốc.

Cũng không phải là muốn lật lại chuyện cũ lên nói, chẳng qua là tới Trung Quốc mấy ngày khiến mình được mở mang tầm mắt rất nhiều, biết được nhiều thứ không như những gì dân mình hay đồn thổi. Chắc chắn mình sẽ quay lại Trung Quốc với một kế hoạch dài hơi hơn, ở lại lâu hơn và biết nhiều hơn về Trung Quốc.

 

 

 

 

 

 

 

Đăng trong Lặt vặt

Lặt vặt

Hôm nay là ngày Gia đình Việt Nam, mình đăng lên facebook một video, có viết: “Mọi đứa con, dù ngoan tới đâu, thì cũng đã từng có lúc mang trong đầu suy nghĩ phản kháng.”

1. Trước lúc lên đại học, mình cảm thấy, từ ngữ phù hợp nhất để miêu tả mẹ là “khó tính”. Thật luôn ấy, mẹ là kiểu phụ nữ vô cùng truyền thống, ngay từ nhỏ mình đã được mẹ rèn cho bao nhiêu là thứ, như là “nét chữ nết người”, rồi thì làm gì cũng phải để ý cho ra dáng “con gái con gớm”. Khi đó rất sợ mẹ, trước lúc làm chuyện gì cũng nghĩ xem làm thế này có bị mẹ mắng hay không, dần dần, nó trở thành một thói quen cố hữu, một lối nghĩ.

Khi đó, mỗi lần bị mẹ “lạnh mặt”, trong đầu chỉ mong học nhanh nhanh cho xong 12 rồi đi đâu thì đi, khỏi bị mẹ quản nữa. Đến lúc đi thật rồi đôi khi lại rất nhớ nhà, đôi khi nghĩ, giờ có muốn bị mẹ mắng cũng chẳng mấy khi có dịp.

Mình lên đại học rồi, chợt cảm thấy mẹ tâm lý hơn hẳn. Có lẽ là vì ít khi được về nhà, mỗi lần về cũng chỉ được vài ba ngày, cho nên cả hai mẹ con đều thay đổi cách nghĩ, thay vì những lời dạy dỗ nghiêm khắc thì mẹ dành thời gian của những cuộc điện thoại ngắn ngủi để quan tâm dặn dò, cho nên mình cảm thấy mẹ bớt khó tính hơn, mẹ quan tâm nhiều hơn.

NHÀ chính là như thế, nơi mà ta vùng vẫy muốn giãy thoát để được tự do bay đi, để rồi sau đó lại thèm khát được quay về.

2. Hai chị em xấp xỉ tuổi nhau, cho nên lúc nhỏ rất hay tị nạnh nhau. Mua quần áo hay giày dép gì cũng phải giống nhau, kể cả cái kẹp tóc của đứa này cầu kỳ hơn của đứa kia cũng bắt mẹ đi đổi cho bằng được. Đến tận bây giờ vẫn nhớ bà ngoại thường hay nói “chị em gái như trái cau non”, chị em thì phải thương nhau.

Lúc ở nhà luôn cảm thấy bố mẹ thiên vị cho con em, cái gì chị cũng phải nhường em, cái gì cũng thấy nó sướng hơn mình. Sau này mới biết, con em cũng cảm thấy bố mẹ thiên vị cho chị, để nó thiệt thòi. Mẹ thì hay nói, hai đứa cứ nạnh nhau cả ngày thế thôi, chớ đi đâu về nhà mà không thấy đứa kia là hỏi ngay.

Đúng là nạnh nhau thì nạnh thế thôi, hai đứa cực kỳ thương nhau. Bây giờ hai đứa lớn cả rồi, chả bao giờ tị nạnh nhau cái gì nữa, hở ra cái gì cũng nói với nhau, ăn cái gì khác khác ngày thường cũng khoe nhau ngay, có cái gì cũng nghĩ tới đứa kia trước tiên. Đôi khi mẹ gọi điện, hỏi ăn cơm chưa xong thì hỏi hôm nay hai đứa đã nhắn tin với nhau chưa.

3. Nhiều điều bố mẹ làm, lúc còn nhỏ mình cho rằng đó là đương nhiên, lớn lên rồi mới biết đó là trả giá.

Nhà không dư giả gì, nhưng tiền học của hai đứa, mẹ luôn cố gắng đóng đủ từ sớm, không đầu tiên lớp thì cũng nằm trong “top 5”, bởi vì mẹ luôn có một đôi lợn “vừa đủ lớn” để bán ngay trước lần họp phụ huynh đầu năm. Hai đứa chưa từng bị nêu tên vì chậm tiền học. Đó là bài học đầu tiên về lòng tự trọng mà mẹ dùng tiền để đổi về.

Lớp một phải viết bằng bút chì, một cây bút chì 500 đồng, một cây bút chì ngòi 1200 đồng, trong lớp rất nhiều bạn có, mình cũng muốn có, và thế là có. Lên lớp hai được viết bút bi, khi đó có một loại bút viết ra mực rất thơm, giá hơn 2000 đồng, mình đòi cho bằng được, và thế là được mua. Lớp năm, trường yêu cầu học sinh phải sơ vin khi đi học, sơ vin thì phải có thắt lưng, mẹ bảo bố mua cho một cái, mình không thích, ủ rũ cả mấy ngày, sau đó mình bị ốm, ngủ một giấc, tỉnh dậy thì vừa có cái thắt lưng đẹp đẹp, vừa có một gói kẹo xốp màu sắc sặc sỡ mà mình rất thèm ăn nhưng mẹ không cho vì đó là “hàng Trung Quốc tẩm thuốc màu, ăn rất độc”. Bây giờ, 500 đồng chẳng đủ để cấu thành một đơn vị tiền tệ, nhưng gần hai mươi năm trước, 100 đồng đã đủ mua cả một đống vòng thun để chơi cả tháng. Những cái “và thế là” kia chẳng hề giản đơn.

Năm nhất đại học ở Hà Nội, mình xin bố mẹ đổi điện thoại, mua một chiếc smartphone mới, 5 ngày sau, bị giật túi trên đường đi học, mất bao nhiêu là giấy tờ, mất luôn cả chiếc điện thoại mới. Bây giờ, khi mình đã dư sức tự mua một chiếc điện thoại “xịn” hơn vậy gấp mấy lần, mẹ mới nói về số tiền bố mẹ đã vay để gửi cho mình mua chiếc điện thoại kia, mẹ nói đó là khoản tiền mà mẹ tiếc nhất. Phải, dù tiếc, nhưng con cái cần, bố mẹ luôn có sẵn.

4. Mẹ là người truyền thống, hay để ý đến cái nhìn của người xung quanh, làm gì cũng nghĩ coi người ta có nói gì hay không. Bảo mẹ với bố đi chơi, mẹ bảo nhà có giàu có gì đâu mà đi chơi, rồi người ta lại tưởng nhà lắm tiền, người ta nói này nói nọ. Có lẽ là vì cách nghĩ của mình hơi “tư bản hóa”, cho nên thực sự rất mệt với mấy cái “người ta” của mẹ, không hiểu sao cuộc đời của mình mà cứ phải sống vì “người ta” như vậy. Mình hay bảo mẹ, ngày xưa con nghe mẹ, bây giờ đến lượt mẹ phải nghe con đi. Nói thế thôi chớ cũng không biết đến ngày nào mẹ mới bớt đi những lối nghĩ cộng đồng để sống vì bản thân hơn một chút. Ây dà, mà thôi, mẹ có đổi hay không thì cũng vẫn cứ là mẹ của mình thôi.

Nhân ngày Gia đình Việt Nam, chúc cho mọi gia đình – tổ ấm của những người yêu nhau – sẽ luôn được hạnh phúc.

 

 

 

Đăng trong Lặt vặt

Lặt vặt – 3

Bố

Nhân một ngày không mấy đẹp trời, lướt qua một bài viết kể về bố…

1. Nhà chỉ có hai đứa con gái, ai cũng hỏi sao không đẻ thêm đứa nữa, bố nói gái trai gì cũng được, hai đứa là được rồi. Nhiều người nói con gái học chi cho lắm, bố thì nói cho dù có phải bán nhà cũng phải nuôi hai đứa ăn học đến nơi đến chốn.

Từ nhỏ tới lớn, mình vẫn luôn rất nỗ lực, một phần vì muốn thoát nghèo, một phần vì muốn bố mẹ tự hào. Mình không muốn người ta cười chê bố mẹ vì không có con trai, muốn người ta thấy rằng, hai đứa con gái còn hơn khối thằng con trai. Mỗi lần được thành tích gì đó, điều khiến mình vui nhất không phải là tiền thưởng, mà là được nghe bố mẹ hãnh diện “khoe” với người ta rằng con gái nhà mình chẳng hề thua kém ai.

2. Chừng cấp hai cấp ba, nghe người ta hỏi sao bố mẹ không đẻ thêm đứa nữa, mình rất khó chịu. Hai chị em san sát tuổi nhau, mặc dù nạnh nhau cả ngày nhưng vẫn rất thương nhau. Mình chẳng muốn có thêm một đứa em cách cả chục tuổi tí nào. Nhưng lớn rồi, hai đứa đi học xa nhà, mới chợt nhận ra nhà vắng tanh. Thực ra vẫn không mong bố mẹ có thêm đứa nữa, nhưng rất muốn trong nhà có trẻ con để bố mẹ đỡ buồn.

3. Hồi mình còn nhỏ, bố có uống rượu. Có lần bố say, nằm trên giường nôn, hai đứa con gái đứng ngoài cửa khóc lóc vì sợ. Từ đó trở đi, bố bỏ rượu, cũng chẳng uống bia.

4. Bố là thợ mộc, có chín hoa tay, làm gì cũng khéo, mà cái gì cũng biết làm. Cấp một học thủ công, xé nát cả mấy tờ giấy màu cũng không ra hình thù gì, kêu bố một tiếng, muốn con mèo có con mèo, muốn con gà có con gà, mấy bài xé dán là nhường cho bố hết.

5. Hồi lớp một, bố hay chở đi học rồi lại đi đón về, đi đường đất, bằng cái xe đạp nữ mà mẹ nói là mua từ hồi bố mẹ lấy nhau. Thỉnh thoảng bố chở cả bạn hàng xóm về nữa, mình thích lắm, vì hôm đó sẽ được đứng ở đằng trước yên xe. Khi đó còn chưa cảm nhận được sự nhọc nhằn trên những con đường làng. Có hôm mình ngủ gục trên ghi đông, và bố vẫn chầm chậm đạp xe về tới nhà mà không làm con gái thức giấc.

6. Thuở cấp một, mặc dù đã tự đạp xe đi học nhưng trời mưa vẫn được bố chở đến trường. Có hôm mưa đợi mãi vẫn không thấy bố mẹ lên đón, mình ngồi xe một cô giáo trong làng đi về. Cô đi theo đường Quan, bố đi bằng đường Sông, hai con đường song song và cách nhau chừng vài trăm mét. Thế mà bố nhìn ra được mình ở phía sau xe cô giáo kia, dù bị vạt áo mưa trùm gần kín.

7. Năm lớp chín, mình đi thi rất nhiều, hầu như tháng nào cũng vài lượt đi trường khác thi cái nọ cái kia, và bố cũng bận theo. Ký ức thi cử luôn gắn liền với hình bóng bố đợi bên ngoài trường thi, mãi cho tới khi lên đại học. Đến lúc nhập học đại học cũng là bố đưa đi, lúc nhìn bố ra xe về quê mà cảm giác như cả phần đời về sau phải tự mình gánh vác ấy, sợ kinh khủng. Bây giờ thì từ nhà tới trường phải qua bao nhiêu chuyến xe bao nhiêu chuyến bay cũng tự mình lo được, nhưng mỗi lần lên xe nhìn thấy bố ở dưới vẫn cứ buồn buồn.

Bố Mẹ

1. Năm lớp ba thì mình bắt đầu tự đạp xe đi học, chính là cái xe quý giá của bố mẹ, với con em gái ngồi đằng sau. Xe cũ dần theo con đường đến trường của hai đứa con. Năm lớp năm, mình làm rơi chiếc chân chống. Khi đó, mua một chiếc chân chống mới chỉ thấy tiếc tiền, lớn lên rồi mới hiểu, mất chiếc chân chống kia, chiếc xe của bố mẹ trở thành chắp vá.

2. Bố ít xuống bếp, nhưng bố đã ra tay thì mẹ với con gái cũng thua. Bữa cơm, mẹ nhìn nồi cơm ướt thì khẳng định con chị nấu, cơm khô thì là con em nấu, nồi cơm vừa mẹ ăn thì “chắc chắn là bố cắm”.

3. Hồi nhỏ hai đứa hay nạnh với mẹ. Trong nhà bị hỏng cái gì thì bố luôn nói “chỉ có hai đứa bay làm chí ai vào đây nựa”, cái gì không biết làm thì “thông minh để đâu”. Nhớ có lần mẹ làm vỡ gương tủ, hai đứa chờ câu “chỉ có hai đứa bay” của bố để “tố” mẹ. Cuối cùng, bố yên lặng chở mẹ đi mua gương mới.

4. Mẹ hay nạnh vì con gái bênh bố hơn bênh mẹ. Gọi điện thoại về nhà, mẹ nói chuyện một lúc sẽ bảo bố là “đến mà nói chuyện với con gái rượu nầy”. Rõ ràng là có hai đứa con gái, nhưng chỉ có con đầu mới là “gái rượu”, vì con đầu thân với bố hơn, con đầu nói gì bố cũng nghe. Gọi về mà chỉ nói chuyện với bố thì hôm sau mẹ sẽ bảo là “lâu ngày”. Nhưng nếu nói chuyện với mẹ hơi lâu tí thì bố lại nói “chuyện gì mà nói mãi vậy”.

5. Bố mẹ càng già thì càng giống trẻ con.

“Bố mẹ già đi là khi nào?

– Là khi cùng bố mẹ lên xe buýt, người ta sẽ không nhường ghế cho bạn nữa mà sẽ nhường ghế cho bố mẹ bạn.”

 

 

 

 

 

 

 

 

Đăng trong Lặt vặt

Lặt vặt – 2

26/03/2019

1. Mình bắt tay vào đào hố “Chỉ có mỹ thực và yêu là không thể phụ lòng” được tầm vài ngày thì trên mạng hot chuyện anh Dương Dương với chị người yêu béo mập, cũng không biết có phải là trùng hợp không nữa. 🙂 Mình rất ngưỡng mộ, nhưng mình cũng biết, mặc dù câu chuyện của họ chứng minh rằng “không phải cứ béo mập thì không thể có người yêu”, nhưng trên đời không có được bao nhiêu người như anh Dương Dương, xã hội này vẫn rất coi trọng vẻ bề ngoài. Bạn tốt, nhưng bề ngoài bạn phải đủ để người ta chấp nhận tới gần thì mới có cơ hội phát hiện ra cái tốt của bạn.

Mình bây giờ cứ thấy người ta hạnh phúc thì cũng sẽ cảm thấy vui vẻ, cho nên dù chẳng quen biết gì thì mình cũng mừng cho hai người họ và mong họ sẽ hạnh phúc dài lâu.

2. Đêm hôm trước được tag vào một bài trích dẫn trong “THƯ QUÁN”, phân tích về cái chết của vua Quang Trung từ góc độ y khoa. Bài viết rất hay, đáng tiếc cuối cùng vẫn chỉ có thể kết luận rằng “hai câu trả lời trên là “khả dĩ nhất” và “có độ đáng tin cậy cao nhất” mà chúng ta ngày nay có thể suy diễn được từ các tư liệu sử học còn lưu lại và qua các hiểu biết của Y khoa ngày nay về căn bệnh và về nguyên nhân tử vong của vua Quang Trung.”

Mình không đọc xuyên không và các thể loại xuyên khác vì luôn cho rằng nó quá thiếu thực tế, nhưng mà lúc được tag vào bài viết đó, tự dưng mình có suy nghĩ ước gì mình được xuyên về thời vua Quang Trung trị vì :))) Bao nhiêu năm nay, đọc bao nhiêu sách sử vẫn luôn canh cánh câu hỏi “tại sao vua Quang Trung đột ngột băng hà?”

3. Sẵn nói về vua Quang Trung thì nói luôn về thần tượng của mình đi.

Thần tượng của người ta đều là ca sĩ diễn viên các kiểu, còn thần tượng “bền vững” nhất của mình lại là vua Lê Thánh Tông và vua Quang Trung (bền vững là bởi vì từ nhỏ tới giờ vẫn luôn hâm mộ). Ờ, lý do thì các bạn biết đấy, sách giáo khoa lịch sử miêu tả hai vị vua này rất tuyệt vời. Sau đó đọc thêm các thể loại sách sử, nghe được khá là nhiều chuyện không-mấy-tốt-đẹp về hai vị vua này, ví dụ như vua Hồng Đức đã giết hại chính anh em ruột của mình trước khi giành được ngôi vua, rồi cuối đời bị bệnh như thế nọ như thế kia, hay là vua Quang Trung với vợ như thế nào, nói chung là làm tan vỡ hình tượng hoàn mỹ mà trước kia mình tưởng tượng ra, thế mà lại vẫn cứ ngưỡng mộ, bởi vì dù có bao nhiêu gièm pha thì các nhà sử học cũng không thể phủ nhận được công lao to lớn của các vị ấy đối với đất nước. Mình biết là nhiều vị anh hùng khác cũng có công lao to lớn với đất nước chứ, nhưng mà mình có cái tính rất là coi trọng ấn tượng đầu tiên, đã nhận định rồi thì khó mà thay đổi được, ví dụ như mình không thích chúa Nguyễn Ánh, bởi vì sách giáo khoa Lịch sử dạy mình rằng ông này “cõng rắn cắn gà nhà” (một câu nhớ đời luôn), cho nên dù sau này bao nhiêu sách sử đánh giá tài năng và công lao của Nguyễn Ánh vĩ đại tới chừng nào thì mình vẫn cứ không thích.

Mình thích đọc sử, ở khía cạnh văn hóa – xã hội, và thích cảm sử theo cách tin của mình, dù nó trái ngược với cách mà các nhà sử học cho là đúng. Hy vọng là thói quen này sẽ có thể theo mình tới già luôn.

4. Hôm chủ nhật mới dành cả một ngày để đi coi đá bóng. Thằng con trai nào vào sân bóng cũng mong giành được chiến thắng hết (đương nhiên, đây là bản năng con người), nhưng nói thật là có những người quá hiếu chiến và hiếu thắng. Mình chẳng hiểu gì về thể thao, chẳng biết chơi thế nào là hay, nhưng mình có cảm nhận trực quan. Mình nghĩ, hẳn là mọi khán giả đều không chỉ mong chờ một trận đấu hay mà còn mong chờ một trận đấu “đẹp”, nhưng đôi khi, sự nóng nảy vì hiếu thắng của một số cầu thủ làm khán giả cảm thấy không được vui vẻ cho lắm.

 

 

 

 

 

Đăng trong Lặt vặt

Lặt vặt – 1

22/03/2019

1. Chứng “ép buộc” của mình càng ngày càng nghiêm trọng. Tới cửa phòng người khác nhìn thấy giày dép để xốc xếch nhất định phải đi tìm xếp lại ngay ngắn từng đôi. Đọc truyện nhìn thấy những lỗi chính tả kiểu quen dùng nhầm từ thì rất là bực mình, rất muốn hỏi người ta có cần người soát lỗi trước khi đăng không. Thiệt là rảnh rỗi.

2. Hôm qua thấy có đứa bạn trên mạng chia sẻ về thói quen thời gian theo cung hoàng đạo. Không biết là điều đó có đúng hay không, nhưng nó khiến mình nhớ tới một chuyện cũ.

Tốt nghiệp cấp ba xong, bạn cùng lớp tổ chức liên hoan tại nhà, dặn mình 3h chiều có mặt. Mình tới đúng giờ, và tá hoả khi thấy lớp đã có mặt gần đông đủ. Mình hoảng vì tưởng là nhìn nhầm giờ nên tới muộn, bởi trong tất cả mọi cuộc chơi của lớp, hẹn 7h sáng thì tới 8h sẽ được khoảng một nửa số thành viên có mặt. Sau đó bạn mình cho biết rằng, nó dặn cả lớp là 2h bắt đầu, chỉ để mình khỏi phải lãng phí thời gian chờ mọi người.

Thực ra mình luôn biết đi đúng giờ sẽ phải lãng phí cả tiếng để chờ người khác, nhưng mình thà lãng phí thời gian chứ không muốn muộn giờ hẹn. Một phần là vì thói quen đúng giờ, một phần là vì sợ cảm giác đến muộn. Đi học cũng vậy, mình sợ cảm giác “lạc lõng” khi vào lớp sau giáo viên, cho nên nếu không thể đi học đúng giờ, mình sẽ nghỉ hẳn cả tiết.

3. Tối nay mình vừa đi tham gia một cuộc hùng biện tiếng Anh, chủ đề là “Love or Career”. Nhóm mình bảo vệ cho ý kiến sự nghiệp quan trọng hơn. Nhóm đối lập, để chứng minh rằng tình yêu (bọn mình đang nói về tình yêu nam nữ chứ không phải tình yêu nói chung) quan trọng hơn, đã khẳng định rằng, “if you don’t have a boyfriend, you are only a robot”. Mình đã đáp lại rằng, mình đang sống độc thân rất ổn, làm những gì mình thích, mình không cần phải quan tâm ý kiến của người khác trước khi làm bất cứ việc gì, và dù không có bạn trai, mình vẫn còn bố mẹ, em gái và bạn thân. Và các bạn bên đối lập vẫn khăng khăng rằng phải là người yêu chứ không phải là gia đình hay bạn bè, và mình vẫn chỉ là một con robot nếu mình sống mà không có tình yêu nam nữ. Mình rất muốn nhếch môi cười nhạo một tiếng. Và còn ai đó đã tỏ vẻ rất khinh thường mà nói rằng “you will die alone?”. Tốt thôi, các bạn cứ yêu phần của các bạn, và tôi vẫn cứ sống tốt cuộc đời tôi, dù tôi chỉ có bố mẹ, người thân, bạn bè, sở thích và những thói quen khiến tôi hạnh phúc, và tôi chẳng có “tình yêu” mà các bạn cho là thứ duy nhất khiến người ta là con người chứ không phải robot.

Đăng trong Dương viết

Tết

Tết bắt đầu từ khi lá dong được quấn quanh cây cột trong nhà, và ống giang được dựng ngay bên cạnh. Từ đó, tất cả mọi thứ, kể cả thời gian, đều được gắn thêm chữ “Tết” phía sau.

Cá Tết là cả một nồi to đùng phải kho cả ngày mới khô nước, đến 29 lại phải đưa ra kho lại lần nữa cho thơm ngon đẹp mắt. Nồi cá Tết đủ để ăn hết cả tháng Giêng.

Từ 23 Tết, chợ bắt đầu tấp nập, ai nấy đều đi sắm Tết. Mua đồ khô. Mua bánh kẹo. Mua quần áo. Mua hoa hòe. Mua đủ thứ.

28 Tết mổ lợn, chia thịt. 29 Tết gói bánh chưng, bánh tét. Bố gói bánh tét, em gói bánh chưng, chị ngồi nối chạc, quấn bánh. Nồi bánh phải nấu cả đêm. Nhớ hồi nhỏ nấu bánh trời hay mưa, mấy đứa con nít đều thích quây quần quanh nồi bánh để sưởi, hoa lửa bắn tí tách, khói trắng lẫn vào trong hạt mưa dầm. Hồi nhỏ chẳng thức khuya nổi, bánh chưa chín đã ngủ mất, sáng dậy bánh đã treo lủng lẳng trong góc nhà. Năm nào bố cũng gói một cái bánh tét nho nhỏ mà mẹ hay gọi là “bánh thử”, sáng 30 Tết bóc ra cắt cho hai đứa con gái ăn trước. Nhưng mà Tết có nhiều thứ hấp dẫn hơn bánh thử, nên thường thường hai đứa chỉ ăn một vài khoanh bánh là cùng. Lớn lên rồi, chẳng biết có phải vì biến đổi khí hậu hay không mà lúc nấu bánh trời chẳng còn mưa nữa. Lớn lên rồi, dù thức khuya lắc khuya lơ cũng chỉ thỉnh thoảng ngó qua nồi bánh chứ không ngồi chực chờ nữa. Con gái lớn rồi bố cũng chẳng gói bánh thử nữa.

Hồi nhỏ, Tết hay có hành muối, bây giờ chẳng còn mấy nhà muối hành nữa, nhưng đến Tết vẫn phải mua vài cân hành khô về làm nhân bánh. Buổi tối, cả nhà ngồi quanh rổ hành, bóc vỏ mà cay cả mắt.

Hồi nhỏ, Tết mẹ hay làm bánh ít hoặc bánh xèo. Trời lạnh, mùng hai là bánh đã cứng còng. Bây giờ mẹ ít làm bánh, nhường hết cho con gái. Con gái mẹ không thích làm bánh mà chỉ thích làm mấy thứ đẹp đẹp như mứt dừa ngũ sắc. Con gái mẹ cũng không thích mua kẹo ngoài chợ mà thích tự tay làm đồ Tết. Đến Tết, trong nhà đủ thứ hay ho.

Tết nay đã khác Tết xưa rất nhiều, nhưng cứ đến Tết là trong nhà nhất định phải có phồng tôm. Tối 30 vừa rán phồng tôm vừa coi Táo Quân, rồi lại bận rộn soạn cỗ. 12 giờ đêm cả nhà ngắm pháo hoa, nghe nhạc Tết, quây quần bên mâm cỗ giao thừa, ăn phồng tôm, gặm thịt gà, uống bò húc. Tết thiêng liêng nhất là thời khắc giao thừa đó.

Tết của trẻ con là vui mừng, háo hức. Tết của người lớn là bận rộn, lo toan. Thế nhưng ai cũng mong đến Tết, bởi lẽ Tết chính là cái cớ để trở về. Bất cứ ai, dù ở bất cứ nơi nào, cứ đến Tết thì đều sẽ mong được về nhà. Tết giữa mùa đông, nhưng lại là khoảng thời gian ấm áp và hạnh phúc nhất trong năm.

23 Tết Ông Táo, nhớ nhà, thèm Tết…

 

 

 

Đăng trong Dương viết

Làng

Chẳng biết vì đâu mà mình vẫn luôn cảm thấy chữ “làng” thân thương hơn chữ “quê”. Làng không chỉ là nguồn cội gốc gác mà còn là bình dị an yên.

Quê bạn A ở thành phố, ngày ngày xe cộ tấp nập, nhà nhà kín cổng cao tường, hàng xóm có khi chẳng hề biết mặt nhau.

Quê bạn B ở ven biển, ở nhà chỉ có đàn bà con nít, từ thuở nào đã quen với mùi gió biển mặn mòi những buổi hoàng hôn.

Quê bạn C ở miền núi, nhà xây trên đồi, hàng xóm có khi cách cả cây số.

Quê mình ở làng. Và, tất nhiên, như những gì người ta tưởng tượng ra ngay khi nhìn thấy chữ “làng”, nơi đó có bụi tre kẽo cà kẽo kẹt là nơi hóng gió buổi trưa hè, có cánh đồng cò bay thẳng cánh với đàn trâu thong dong trở về lúc chiều tàn, có con sông uốn lượn với hàng cây soi bóng hai bên bờ. Làng đi vào câu thơ khúc hát với những nét chấm phá, vẽ nên bức tranh đẹp đẽ khiến mọi đứa trẻ thành phố phải kinh ngạc.

Làng là tuổi thơ

Hoặc đúng ra phải nói ngược lại – tuổi thơ là làng. Gần như cả tuổi thơ được gói ghém trong khoảng trời trong vắt ấy.

Trường mầm non ở ngay trong làng, bạn học là tất cả những đứa trẻ cùng tuổi cũng trong làng, cho nên “quen biết cả nhà bạn học” là chuyện rất đương nhiên. Lên tiểu học, chia lớp cũng chia theo làng, tất cả những đứa đã từng gắn bó cả thời mầm non lại vào chung một lớp, và cứ thế gắn bó mãi cho tới tận khi lên cấp ba. Kỳ nghỉ hè không phải là những chuyến đi xa mà gắn liền với đống rơm, đống rạ, con trâu, bó củi, cánh diều. Bờ đê là cả thiên đường, sáo là thứ nhạc cụ thằng nhóc nào cũng có, và cánh diều đầy ắp những ước mơ.

Thuở ấy, thế giới bên ngoài làng mới lạ lắm. Đường Quốc lộ 7 ở ngay bên ngoài làng được gọi là “đường Quan”, con tàu chạy bên kia cánh đồng dường như chạy mãi không ngừng không nghỉ, người ở ngoài làng đều đến từ một thế giới rất xa xôi. Khi đó, tất cả những gì nằm bên ngoài làng đều mang màu sắc rực rỡ và đầy bí ẩn.

Trường tiểu học không còn ở trong làng nữa, nhưng đường đến trường chỉ đơn giản là con đường đất băng qua giữa cánh đồng. Tháng tám, tháng chín trời mưa lụt, con đường đi học quen thuộc trở nên lầy lội, ngồi sau xe đạp được bố chở đến trường chỉ mong sao bố sẽ rẽ vào con đường nhỏ dẫn ra đường Quan, thế mà cũng hiếm khi được đi lắm vì con đường ấy xa hơn và đông xe cộ – như những gì bố mẹ thường nói. Có hôm trời mưa, nhõng nhẽo đòi bố đưa đi học, bánh xe lăn vào những vết bùn đã nhão ra vì quá nhiều người đi lại, bố chỉ cho xem những người khác phải khoác tấm nilon đội mưa đi bộ tới trường, trong lòng mình chẳng vui vẻ chút nào. Thực ra, thứ mình muốn khi đó không phải là được bố đưa đi học, mà là được đi ra con đường đổ nhựa đầy mới mẻ và lạ lẫm kia.

Chẳng nhớ mình bắt đầu nuôi khát vọng bước ra khỏi làng từ thuở nào. Có lẽ là từ những lần hiếm hoi được chở đi học trên đường 7, cũng có lẽ là từ những chuyến tàu hỏa chạy bên kia cánh đồng. Mà cũng có thể là từ khi đã hiểu nghĩa những câu nói hằng ngày của bố mẹ như “học đi để rời khỏi cái cày cái cuốc”, “học đi để sau này không phải làm ruộng nữa”… Trong mắt những người dân quê thuở ấy, cách duy nhất để thoát nghèo chính là học giỏi, và muốn đỡ vất vả thì nhất định phải thoát ly khỏi ruộng đồng.

Những cánh diều thuở nào đã trở thành đôi cánh máy bay, ước mơ được chở ra khỏi khoảng trời nhỏ bé của làng, tới những chân trời xa xôi và lạ lẫm. Tới những thành phố phồn hoa, nơi phương tiện đi lại chủ yếu là xe hơi, tàu điện, metro thay vì xe đạp, xe máy, tàu hỏa. Qua những con đường rộng hàng chục mét với sáu, bảy làn đường và xe cộ đông gấp cả chục lần đoạn đường 7 chạy bên ngoài làng. Mỗi lần nghe ở đâu đó hai chữ “cố hương”, trong đầu lại nghĩ ngay đến hai chữ “trở về”, và ký ức về con đường đi học gập ghềnh của nhiều năm về trước vẫn thân thương đến lạ.

Làng là ký ức

Bây giờ, hình ảnh bình dị với con sông, cánh đồng không chỉ khiến những đứa trẻ thành phố ngơ ngác mà còn khiến nhiều đứa trẻ ở chính cái nơi gọi là “làng” này phải ngỡ ngàng.

Làng nay khác xưa nhiều lắm. Con sông vẫn còn đó, cánh đồng vẫn nơi kia, nhưng chiều hè chẳng còn vang tiếng sáo diều mà thay vào đó là lẻ tẻ vài ba con diều vải màu sắc sặc sỡ. Trẻ con không thích cưỡi lưng trâu thổi sáo nữa mà chỉ thích chơi trò chơi trên điện thoại và xem phim hoạt hình. Làng cũng chẳng còn những con đường đất bé tí, khi mà đường beton đã chạy ra tới giữa đồng. Nhà cửa càng lúc càng cao, con đường về làng càng lúc càng xa. Bước chân ra khỏi làng không còn là sang một làng khác, mà là đến một thành phố khác, một đất nước khác, một châu lục khác.

Làng vẫn còn đó với những ký ức càng lúc càng trôi xa về quá khứ. Có ai còn nhớ chăng, trưa hôm nào chúng ta từng đi trên con đường ấy, bước chân đứt quãng, cái bụng xẹp lép nhưng tiếng cười vang rộn rã còn vui hơn cả tiếng ve kêu ra rả trên đê?

Đăng trong Dương viết

Góc làng quê

Mình sinh ra ở làng, và nếu cuộc đời không có biến cố gì quá lớn, mình cũng sẽ trở về với làng sau những tháng năm lông bông xứ khác.

Có lẽ bài viết này có những điều chướng tai gai mắt, nhưng đây chỉ là cảm nhận của mình, và mình, dù có ý phê phán, thì cũng không có ý chê bai người quê, không nhằm so sánh làng với phố.

1. Ở quê, các kiến thức thường thức đều được bắt đầu bằng “Người ta nói…”

Chẳng ai biết “người ta” là ai, cứ người này nhủ người kia như thế, rồi cả làng biết, cả xã biết, ở đâu đẩu đầu đâu cũng biết.

Thời sự không nhanh được bằng mồm miệng thiên hạ. Ngòi bút nhà báo không mặn mà bằng lời rỉ tai của người nọ người kia. Ngồi lê đôi mách đã thành tập quán. Câu chuyện đến tai chẳng biết tin được mấy phần.

2. Ở quê, bị bệnh sẽ không đi gặp bác sĩ mà sẽ đi hỏi làng xóm.

Ừ thì có một phần nguyên nhân khách quan là do những hạn chế trong dịch vụ khám chữa bệnh trong các bệnh viện tuyến dưới, nhưng không thể không kể đến nguyên nhân chủ quan là dân mình đã “quen rồi”. Quen rồi lại thành tập quán.

Con em gái bị cận, tính ra đã được hai năm rưỡi, độ cận đã tăng, đứng xa tầm ba bốn mét thì không nhìn rõ được TV nữa. Hai năm rưỡi, đi khám ngoài, uống thuốc ngoài. Mẹ nghe nói có bà nào đó ở nơi nào đó trị được cận thị, định hỏi để đưa nó đi, con em hết hồn, nhờ can mẹ đừng mạo hiểm với mắt nó nữa.

Về nhà nghỉ hè thấy bốn người uống bốn loại nước thuốc, mỗi người uống một loại thuốc lá, phương thuốc là nghe người ta mách. Chả biết tác dụng đến đâu nhưng mà cả làng đều uống đó. VOV quảng cáo thuốc gì mà bắt đầu bằng “Cà gai leo là một loại thảo dược quý…”, thấy ai cũng trồng để uống, nhưng có ai để ý thấy phần sau còn nói rằng “trồng tự phát làm giảm dược tính và hiệu quả chữa bệnh của cà gai leo”! Mà cho dù có biết thì dân mình vẫn cứ trồng cứ uống thế thôi.

3. Ở quê, chẳng có một phạm trù pháp luật nào thật sự “trực tiếp”. Dịp bỏ phiếu bầu cử đại biểu quốc hội, mình – ở cách xa gần chục nghìn cây số – vẫn có phiếu cử tri, và một mình bố bỏ cả năm lá phiếu cho năm người trong nhà. Mất mùa, nhận tiền đền bù, yêu cầu tất cả các hộ trực tiếp ra xác nhận và ký tên, nhưng một người lại có thể ký cho cả họ!

Làng mình còn nghèo lắm ai ơi. Vứt lưỡi liềm, cái cày, thuê máy về gặt hái đâu có nghĩa là công nghiệp hóa. Bỏ ruộng bỏ đồng đi làm thuê làm mướn đâu phải là xây dựng nông thôn mới. Dân mình còn nghèo lắm ai ơi. Chẳng biết đến bao giờ, bố mẹ mình mới buông xuống được những gánh nặng xưa cũ, để nhẹ người mà vươn ra biển lớn.