Đăng trong Dương cảm

Khi vẫn còn có nhau, xin hãy cố gắng yêu nhau

Khi vẫn còn có nhau, xin hãy cố gắng yêu nhau

– Hàn Mai Mai –

Trích tuyển tập “Thế giới lớn như vậy, tôi muốn đi ngắm nhìn”

Người bạn cũ ở quê nhắn với tôi trên Q: Cậu biết gì chưa? Đập Song Long đã bị vùi xong rồi đấy.

Trong lòng tôi giật nảy, kêu thầm: Nhanh thế sao! Tôi còn chưa kịp về nhìn lại một cái…

Đời người có lẽ là càng về sau thì càng cảm thấy thời gian trôi qua nhanh. Bây giờ nhớ tới khoảng thời gian ở đập Song Long thì đã là mười lăm năm trước.

Mười lăm năm, ở cái tuổi của tôi khi đó là một con số dài cỡ nào!

Khi đó tôi mới mười tám tuổi, bị phân đến làm giáo viên tiểu học ở một thôn nhỏ.

Một dòng sông lớn, hai bên bờ là núi non.

Bây giờ nhớ tới nơi đó, dường như trong mũi còn có thể ngửi được mùi cỏ tươi và mùi bùn đất. Ở đó trời hay mưa, mưa xong không khí trong lành, khắp nơi đều ướt sũng, mây mù lúc nào cũng che phủ lưng chừng núi. Nước sông vẫn luôn vẩn đục, từ xa ngàn dặm chảy tới, lại chảy đi xa ngàn dặm, ầm vang nơi khe núi, chưa bao giờ ngừng lại.

Lúc tôi mới đến, trong thôn không có hệ thống cung cấp nước uống cũng chẳng có điện, cuộc sống vô cùng yên tĩnh và đơn giản. Tôi sống trong căn nhà nhỏ màu trắng bằng xi măng duy nhất trong thôn, là ký túc xá của giáo viên, ngày ngày thắp nến viết giáo án, sau đó chìm vào giấc ngủ giữa màn đêm yên ả. Ánh trăng rất sáng, chiếu qua cửa sổ, sáng đến mức có thể đọc sách được.

Nơi đó quanh năm đều có gió to, gió thổi ruộng mía lắc lư lên xuống như gợn sóng, người dân trong thôn dựa vào trồng mía để kiếm sống. Mùa đông tới thì người dân trong thôn bắt đầu ép đường, khắp thôn đều tràn ngập mùi đường ấm áp.

Cứ chừng hai ngày thì sẽ có một chiếc xe buýt nhỏ từ trong huyện chạy tới, đây là phương tiện giao thông duy nhất nối liền với bên ngoài. Trong thôn còn có một con đò, bến phà ở cách thôn mấy cây số, nó có thể chở mọi người đến tỉnh Vân Nam ở bên kia con sông lớn. Ở đó cứ thứ ba, năm, bảy sẽ có chợ, người dân trong thôn bên này muốn ăn chút thịt tươi hay mua chút đồ dùng hằng ngày thì đều phải qua bên kia sông mua về.

Điều tôi thích nhất là con đường lớn mãi không sửa xong ở trong thôn, nó chạy dọc theo bờ sông, dẫn thẳng về phương xa. Tôi thích đi bộ trên con đường kia mỗi lúc chạng vạng, đa số thời gian là một người lẳng lặng đi về phía trước, gió sẽ thổi cho quần áo trên người phồng lên, nhưng lại chẳng hề lạnh chút nào. Trời dần tối, còn tôi cứ đi thẳng mãi, cho tới khi vầng trăng tròn như chiếc đĩa nhô lên từ đỉnh núi thì mới xoay người lại.

Có đôi lúc tôi sẽ dừng lại ngồi một lát trên đống cỏ ven đường, nhìn về phương xa, nghĩ về tương lai của mình.

Mười tám tuổi, hoàn toàn không biết gì về tương lai của mình, ngập tràn khát vọng đối với phương xa.

Tôi vô cùng mong mỏi có thể có một ngày rời khỏi nơi đó, rời khỏi cái thôn kia. Tôi muốn tới phương xa, nơi nào cũng được.

Hai học kỳ sau đó, rốt cuộc tôi cũng quyết định rời đi.

Rất đơn giản, tôi thu dọn đồ đạc rồi đi ngay. Trong lòng quá mong chờ được rời đi, tôi cũng quên mất là lúc rời đi tôi có tạm biệt mọi người nơi đó không, có quay đầu liếc nhìn thôn làng kia hay không.

Khi đó tôi cho rằng, nơi này vẫn sẽ luôn ở đây, sau này nếu muốn thì tôi vẫn còn có thể trở lại ghé thăm.

Sau đó, tôi bắt đầu cuộc sống vi vu khắp chốn.

Đi tới rất nhiều rất nhiều nơi, xuất phát, tới nơi, trải nghiệm, ở lại, rời đi,…

Thời gian cứ thế trôi qua.

Sau đó mới biết, thành thị nơi mình từng khao khát hóa ra cũng không sạch sẽ như mình tưởng tượng.

Mà nơi tôi từng chỉ mong mỏi mau chóng chắp cánh bay đi ngay lại đột nhiên tìm đến trong giấc mộng của tôi vô số lần.

Núi non, trăng tròn, sương trắng, nước sông.

Còn cả sự yên ả kia nữa.

Tôi quyết tâm, có thời gian thì nhất định phải về thăm một chuyến.

Ý nghĩ này gác đó rất nhiều năm.

Đã từng có một năm, đã đến rất gần.

Tôi đã về tới thị trấn, định bụng hôm sau sẽ đi vào thôn.

Thế nhưng sáng hôm sau, xe phải rời đi trước dự kiến, tôi chỉ có thể theo xe rời đi.

Người thân nói với tôi: Không sao, để lần sau lại đi!

Sau đó, nhoáng cái đã nhiều năm.

Cuối cùng nghe tin về hồ chứa nước của nhà máy thủy điện.

Có người gửi cho tôi mấy bức ảnh.

Nơi đó đã hoàn toàn nằm dưới dòng nước sông cuồn cuộn. Căn nhà nhỏ màu trắng và cả con đường còn chưa sửa xong kia giờ đã chẳng còn bóng dáng. Cùng biến mất theo còn có cả ký ức năm mười tám tuổi của tôi.

Nơi đó đã trở thành nơi không trở lại được nữa.

Một người bạn thích du lịch của tôi nói với tôi:

Mỗi lần cô ấy đi qua một nơi nào khiến cô ấy động lòng thì lúc rời đi, cô ấy đều sẽ nghiêm túc, lưu luyến nhìn thêm vài lần, tạm biệt nơi đó. Bởi vì cô ấy không biết, đời này kiếp này, có còn có thể trở lại nơi đó nữa hay không…

Việc này cũng giống như yêu một người, nếu như bạn thực sự rất yêu người đó thì nhất định phải đối xử với người đó thật tốt, bởi vì một đời rất ngắn. Có những nơi rời đi rồi sẽ không trở lại được nữa. Cũng giống như có những người nói tạm biệt rồi thì thật sự sẽ không còn gặp lại nữa…

Ngày cuối cùng của năm 2013, một người bạn tự tổng kết lại bản thân trên Weibo, câu cuối cùng cậu ấy viết:

Bố mẹ, trong năm vừa rồi, xin hãy tha thứ cho những lần con không nhịn được đã to tiếng với bố mẹ.

Người bạn này là một người con hiếu thảo, trước kia du học ở châu Âu, vốn có thể ở lại làm việc, nhưng nghĩ tới bố mẹ đã già, cậu ấy chọn về nước.

Có một hôm, vừa rạng sáng cậu ấy đã gọi điện thoại cho tôi, nói rằng trong lòng đột nhiên thấy sợ hãi.

“Mình đột nhiên nhận ra rằng, chắc chắn rồi sẽ có một ngày bố mẹ sẽ rời xa mình. Mình rất sợ, không tài nào ngủ được nữa…”

Đây cũng là nỗi sợ của tôi.

Ngay từ lúc còn nhỏ đã sợ rồi.

Tôi thường nhìn bóng lưng của những người tôi yêu, trong lòng chua xót.

Bởi vì đời người chính là như vậy.

Không có ai có thể mãi mãi ở cạnh bên.

Bởi vì điều này, đời người chắc chắn là thê lương.

Gặp nhau rất tốt, gặp lại rất khó.

Điều duy nhất chúng ta có thể làm chính là quý trọng.

Vì người mình yêu, làm tất cả những chuyện nhỏ nhặt mà mình có thể làm.

Thường xuyên ở bên họ.

Bao dung cho sự ích kỷ và lỗi lầm của họ.

Cố gắng giúp họ thực hiện nguyện vọng.

Cùng nhau chia sẻ và tạo ra những hồi ức tốt đẹp.

Sau khi mẹ già rồi, cũng có đôi lúc tôi không nhịn được nói năng với mẹ bằng giọng điệu không được tốt. Mỗi lần nổi giận, mẹ tôi đều sẽ chọn nhẫn nhịn. Mà sau đó, cuối cùng tôi đều sẽ hối hận buồn bã.

Đối với bố mẹ thì con cái sống tốt chính là điều họ mong mỏi nhất. Bây giờ cuộc sống nhiều áp lực, con cái có hơi nóng giận thì họ cũng sẽ dễ dàng tha thứ.

Có một loại đau khổ không thể biến mất.

Đó là sự thiếu sót đối với bố mẹ.

“Giá như lúc đó có thể nhẹ nhàng và kiên nhẫn với bố hơn một chút!”

“Giá như mình có thể nói ra tình yêu dành cho bố.”

“Giá như mình đưa bố đi du lịch…”

“Giá như khi đó mình thường xuyên về thăm bố…”

“Những gì mình đền đáp cho mẹ còn không bằng một phần trăm những gì mẹ đã cho mình…”

Lần trước về Bắc Kinh, tụ tập với mấy người bạn thân.

Người bạn kia nói tháng trước bố cậu ấy đã qua đời. Bọn tôi đột nhiên nhận ra, mấy năm nay, bọn tôi đều lần lượt trở thành những đứa trẻ không có bố.

Bạn nâng ly rượu lên nói, từ giờ trở đi, trên con đường tương lai, chúng ta sẽ phải đối mặt với sự cáo biệt nhiều hơn. Chuyện đương nhiên của đời người, không thể làm gì khác ngoài thản nhiên đối mặt!

Chúng tôi không nói gì, chỉ biết uống rượu.

Nếu như chia lìa là không thể tránh được.

Vậy thì xin hãy đối xử với người có duyên phận với mình tử tế hơn một chút.

Lúc ở bên nhau, lời muốn nói thì hãy nói ra, việc muốn làm thì hãy làm đi!

Hãy quan tâm và ở bên họ nhiều hơn.

Hãy nói lời cảm ơn.

Khi chúng ta còn có nhau, hãy cố gắng yêu nhau.

 

 

Đăng trong Dương cảm

Chỉ là muốn để bạn biết, tôi vẫn luôn ở đây

Chỉ là muốn để bạn biết, tôi vẫn luôn ở đây

– Tô Tân –

Trích tuyển tập “Thế giới lớn như vậy, tôi muốn đi ngắm nhìn”

Có điểm thi đại học, tôi tra xong điểm của mình, lại tra thêm điểm của một cậu bạn khác.

Là Tiểu L. mà tôi thầm mến.

Điểm của Tiểu L. cũng xấp xỉ tôi, cũng không tốt lắm, hai bọn tôi đều không đậu trường đại học mà mình mong muốn.

Năm đó điện thoại di động còn chưa phổ biến, Internet vẫn còn hiếm lạ, trong nhà tôi cũng không có máy tính.

Muốn an ủi cậu ấy một chút nhưng lại nghĩ, gióng trống khua chiêng gọi điện thoại tới nhà cậu ấy, để người nhà cậu ấy gọi cậu ấy nghe máy, mình lại nói vài câu an ủi vô nghĩa thì có vẻ như không được hay cho lắm – như vậy thì giống như rêu rao khoe khoang mình là người “hiểu ý người khác” chứ không phải là thật sự nghĩ cho cậu ấy, tiếc nuối cho cậu ấy.

Vì vậy, một thời gian rất dài tôi không liên lạc với cậu ấy.

Mãi cho đến một hôm, bạn thân hẹn tôi ra quán net chơi. Con gái mới học lên mạng còn chưa biết chơi game, chỉ lướt mạng một lúc, tôi nhớ ra mình biết e-mail của cậu ấy, thế là gửi cho cậu ấy một mail.

Nội dung rất ngắn, chỉ có hai đoạn. Chào hỏi đơn giản và chúc mừng cậu ấy, sau đó thêm vào một đoạn thơ ngắn, là trích đoạn bài thơ “Ghi nhớ” của nhà thơ Quỳnh Hồng người Đài Loan:

Thân thiết là thăm hỏi

nhưng có lúc

thân thiết

không hỏi

Nếu không có tin tức

như thuyền chìm biển sâu,

thực ra cũng là

thầm lặng ghi nhớ

Bởi vì khi đó truyền gửi tin tức còn chưa phát triển, mãi đến lần tiếp theo tôi có thời gian đi quán net thì mới đọc được hồi âm của cậu ấy gửi tôi.

Cậu ấy nói, bởi vì thi cử không tốt nên ở nhà rất phiền muộn, mỗi lần nghe người khác hỏi đều cảm thấy cực kỳ xấu hổ. Mà cách làm của tôi lại khiến cậu ấy dễ chịu hơn nhiều.

Không thể không nói, câu trả lời của cậu ấy cũng khiến tôi thoải mái hơn nhiều.

 

Ba năm trước, bạn thân Tiểu D. của tôi, vào đầu năm và cuối năm, lần lượt đưa tiễn cha và mẹ mình.

Lúc nghe tin bác trai bị ung thư thì tôi đã rời khỏi thành phố Z. Nhưng cho dù tôi có ở đó thì sự giúp đỡ của tôi cũng rất có hạn: khi đó tình trạng kinh tế của tôi nát bét, thậm chí còn chẳng thể cung cấp sự trợ giúp đơn giản nhất và cũng hữu hiệu nhất là “tiền”.

Tôi chỉ có thể nhìn cô ấy bận rộn bôn ba trong bệnh viện, thỉnh thoảng nghe cô ấy tâm sự với tôi. Điều tôi có thể làm được chỉ là chăm chú lắng nghe từng chữ cô ấy nói, và đáp lại một cách chân thành nhất.

Bệnh tình khi tốt khi xấu một thời gian, cuối cùng bác trai cũng vẫn không qua khỏi.

Không lâu sau đó, bác gái cũng trúng gió, bị liệt nửa người. Tiểu D. ngày đêm chăm sóc mẹ, nhiều lần bật khóc vì sụp đổ. Cuối cùng, tới gần cuối năm, bác gái cũng qua đời.

Khoảng thời gian đó, Tiểu D. hoàn toàn biến mất, giống như đã đi tới một thế giới khác.

Bởi vì lo lắng, cứ một khoảng thời gian tôi sẽ gọi điện thoại cho cô ấy một lần, nhưng cô ấy chưa từng nghe máy.

Cô ấy chỉ thỉnh thoảng đăng một trạng thái mới lên Weibo, nội dung đều là sự nhớ thương cha mẹ, biểu đạt sự tiếc nuối của mình vì không thể yêu thương họ nhiều hơn nữa.

Mỗi lần thấy cô ấy cập nhật trạng thái mới, tôi đều sẽ lập tức để lại một bình luận, nhưng cũng rất hiếm khi cô ấy trả lời.

Thế nhưng thấy cô ấy vẫn còn cập nhật trạng thái mới thì tôi yên tâm, biết rằng cô ấy đang gượng dậy, dù rằng rất chậm.

Tôi tin chắc rằng Tiểu D. sẽ vượt qua được khó khăn. Bởi vì cô ấy là một cô gái như vậy:

Ký túc xá của bọn tôi phân cho mỗi người một tủ treo quần áo, khóa tủ là ổ khóa rời do mình tự mua, không phải kiểu khóa chìm gắn với tủ. Có một hôm, cái kẻ mắc tật vứt đồ bừa bãi là tôi đây khóa luôn cả chìa khóa ở trong tủ quần áo. Không có chìa khóa dự phòng, tôi chỉ có thể trơ mắt đứng nhìn ổ khóa một cách vô dụng. Lúc này, Tiểu D. tìm được một cái búa nhỏ, bắt đầu gõ vào ổ khóa. Mất trọn một tiếng đồng hồ, cô ấy đập gãy một góc, mở được ổ khóa!

Tôi tin chắc rằng một Tiểu D. kiên nhẫn như vậy sẽ không bị bất cứ chuyện gì đánh bại.

Rất lâu rất lâu sau đó, Tiểu D. mới gọi điện thoại cho tôi lần đầu. Cô ấy nói, khoảng thời gian ở bên cạnh cha mẹ, đặc biệt là khoảng thời gian sớm chiều ở cạnh trong những ngày cuối đời của mẹ đã giúp cô ấy hiểu rõ tình yêu một cách sâu sắc.

Không thể nào không tiếc nuối được, dù là ai thì ở bên bờ tử biệt cũng đều sẽ đầy ắp tiếc nuối. Thế nhưng, lần đầu tiên tình yêu bày ra trước mắt cô ấy sự phức tạp và vô biên của nó. Nếu như nói tiếc nuối thì điều tiếc nuối lớn nhất chính là sau khi hiểu được tình yêu rồi lại không có nhiều thời gian để yêu cho thật tốt.

Cuối cùng cô ấy nói, cảm ơn những cuộc gọi và bình luận của cậu, mặc dù mình không trả lời, nhưng mình đều nhìn thấy hết.

Bạn thân à, chỉ cần cậu thấy được, biết mình vẫn đang ở đây, vậy là đủ rồi.

Lúc cậu đau đớn đến nỗi không chịu được bị người ta đụng vào, mình cũng không nỡ đụng vào cậu, chỉ muốn để cậu biết rằng, mình vẫn luôn ở đây.

 

Thực ra, tôi đối đãi với người khác bằng phương thức yên lặng này, cũng là mong rằng người khác sẽ đối đãi với tôi như vậy.

Thế giới này vẫn luôn biến đổi, mà lòng người lại mẫn cảm tinh tế, như bơ trên bánh ngọt, chỉ chạm nhẹ một cái sẽ lập tức biến dạng, tan chảy. Dù rằng ngày thường, người ta sẽ dùng vẻ mặt nghiêm túc và dáng vẻ chín chắn để che giấu cảm xúc, mạnh mẽ làm một con người của xã hội, thậm chí có thể được xem là một anh tài xuất sắc, nhưng bản thân đều có thể nhìn thấy, đều biết đến từng nếp nhăn trong lòng mình.

Chắc chắn rồi sẽ có một ngày, cả chiếc bánh ngọt đều sẽ nát hết, cả người sẽ lập tức rơi vào tâm trạng thất vọng, cảm giác mình thật tệ, chẳng còn sức lực ứng phó với thế giới này, thậm chí cảm giác cuộc sống chẳng có chút niềm vui nào, sống đến bây giờ đều chỉ vấp phải thất bại… Vào khoảnh khắc đó chỉ muốn ở một mình, không nói câu nào.

Không muốn trao đổi với bất kỳ ai, bởi vì dù nói chuyện với ai thì cũng đều phải vực dậy tinh thần, mà khi ấy, tinh thần lại là thứ tôi thiếu thốn nhất.

Nếu lúc ấy có một người bạn không ngừng hỏi thăm nguyên nhân, thậm chí gắng tìm chuyện cười kể cho tôi nghe, trong lòng tôi sẽ cảm nhận được ý tốt của người ấy, nhưng thật lòng thì lại chỉ có thể nói rằng, thứ cho tôi không hiểu được.

Chớ hỏi đến tôi, cũng đừng cố ôm tôi.

Hãy để cho tôi ở lại mảnh đất lạnh lẽo của tôi. Ở đây, tôi sẽ lại lần nữa ngắm nhìn cuộc sống của mình, lại lần nữa nhìn nhận lại những thất bại và đau khổ của chính mình, dùng góc nhìn và cách hiểu hiện tại của tôi để lại lần nữa giơ chiếc dao mổ lên, đi mổ xẻ những ổ bệnh của mình, nhìn nó lại lần nữa chảy máu, nát rữa, sau đó, lần nữa khép lại.

Trong không gian lạnh lẽo chỉ thuộc về riêng mình đó, tôi sẽ lại lần nữa đối mặt chất vấn chính mình. Nếu như một vấn đề nào đó mà năm 16 tuổi tôi không giải quyết được, thì tới lúc 18 tuổi tôi sẽ thử lại lần nữa, tới lúc 25 tuổi tôi lại sẽ thử thêm lần nữa, cứ như vậy, năm nào cũng thử, chắc rồi sẽ có một ngày, với kinh nghiệm và trí tuệ mà tôi đã từng bước tích lũy, hẳn là sẽ giải quyết được nó chứ?

Mà kiểu giải quyết đó chỉ có thể tự mình hoàn thành, không thể dựa dẫm vào bất cứ người nào khác, dù có là người gần gũi nhất cũng không được.

Cho nên, cứ để tôi nán lại trong cái tâm trạng đó, cho đến khi…

Tôi mang theo một nụ cười mới tinh, một lần nữa xuất hiện trước mặt bạn, nói với bạn, Hi.

 

Đăng trong Dương cảm

Vẫn luôn bên tôi vẫn là cái tôi kia

Vẫn luôn bên tôi vẫn là cái tôi kia

– Tiểu Nham Tỉnh –

* Trích từ tuyển tập “Thế giới lớn như vậy, tôi muốn đi ngắm nhìn”

Dành tặng mình của tương lai, tặng cho những ai tìm thấy quá khứ của bản thân ở đây…

Hẹn bạn cũ ra quán bar nói chuyện phiếm, chuyện vừa nóng rượu vừa ngấm thì một cuộc điện thoại dồn dập gọi tới khiến bạn cũ biến sắc, thì ra là đứa con mới tròn một tuổi của cậu ta ho mãi không dứt.

Bạn cũ áy náy thanh toán giúp tôi, lo lắng rời khỏi quán bar.

Tôi nhìn theo bóng lưng cậu ta, nghĩ tới người bạn còn cùng tôi chơi bắn bi, chơi “Quyền hoàng 97” trong ký ức, giờ cũng đã làm chồng, làm cha người ta, trên mặt cũng thêm sự gánh vác và trách nhiệm. Người đã từng đùa nghịch với tôi cũng đã trở thành một người đàn ông thành thục, tôi đột nhiên nhớ tới một đoạn thời gian tôi từng dùng chữ ký: “Không ai đùa giỡn với tôi nữa, cho nên tôi mới lớn lên.”

Đám con trai bọn tôi đều đã mông lung suốt một thời gian dài, sau đó đột nhiên trưởng thành sau chớp mắt, có thể vì thất bại, cũng có thể vì hôn nhân.

Cũng cùng cái tuổi đó, tôi đây vẫn cô độc. Nhìn những người xung quanh có đôi có cặp cười nói vui vẻ, tôi đột nhiên thấy cô đơn.

Uống đang hứng, tôi còn chưa muốn trở về. Thế là nảy ra ý tưởng, muốn tán gẫu với chính-mình-trước-kia một lát.

Những lúc một mình, tôi thường hay chơi trò tinh thần phân liệt, tự mình nói chuyện phiếm với chính mình, nhìn về không khí mà nói.

Những lúc buồn khổ thì muốn làm một người khuyên nhủ đi an ủi chính mình; có đôi khi làm chuyện gì ngu ngốc thì lại muốn làm một vai phụ giỏi dìm hàng tới cười nhạo chính mình. Tôi nhờ nói chuyện với người khác mà học được dối trá và khôn khéo, lại nhờ nói chuyện với chính mình mà học được tự ngẫm tự xét.

Ở cái thời này, thẳng thắn với bản thân cũng không phải chuyện dễ dàng gì.

Ngồi trong một góc khuất người, tôi nâng cao ly rượu, gọi “tôi” thứ nhất xuất hiện.

“Hi, tôi-17-tuổi, chúng ta cùng nhau uống một chén chứ?”

Tôi-17-tuổi ngượng ngùng gật đầu, hỏi: “Nói chuyện gì?”

“Nói chuyện mối tình đầu đi.” Tôi cười cười.

Đàn ông đều sẵn lòng hoài niệm mối tình đầu, bởi vì khi ấy đơn thuần một cách đáng yêu; phụ nữ đều không mấy sẵn lòng hoài niệm mối tình đầu, bởi vì khi ấy ngây thơ một cách đáng thương.

Tôi không biết người khác định nghĩa mối tình đầu thế nào, nhưng với tôi thì chính là lần đầu tiên khiến tôi động lòng, người khiến tôi nhớ nhung trắng đêm.

Tôi-17-tuổi là một thằng nhóc nhút nhát, gầy gò, nhỏ bé, vóc người cũng không cao, trăm phần trăm là một con vịt đực còn chưa trổ mã. Chuyện tình cảm của tôi bắt đầu khá muộn, lúc nghe người ta kể rằng mới học cấp một cấp hai đã thích người khác thì tôi không khỏi cảm thấy tiếc nuối vì mình trưởng thành quá muộn, bỏ lỡ bao nhiêu cô em dễ thương đáng yêu rồi!

Sau một trận mưa năm lớp mười một, tôi tình cờ bắt gặp một cô nàng mặc sơ mi trắng tóc buộc đuôi ngựa, tới khi đó mới lần đầu có cảm giác trái tim đập thình thịch.

Đối với tôi khi ấy, tình yêu là gì không quan trọng, giống như tôi biết táo chính là táo, không cần biết nó thuộc họ hoa hồng hay là cây rụng lá; giống như khi tôi gặp được em, tôi biết là đã gặp được tình yêu.

* Cây rụng lá hay Deciduous có nghĩa là “rụng đi khi trưởng thành” hay là “có khuynh hướng rụng đi”, thường được sử dụng để nói về các cây thân gỗ hay cây bụi mà rụng lá theo mùa và việc loại bỏ các bộ phận khác của cây chẳng hạn như các cánh hoa sau khi ra hoa hoặc quả sau khi đã chín.

Ký ức là một đám mây mù tụ mãi không muốn tản đi, không để cho trời trong suốt thoáng đãng. Đó có thể là một trận tuyết bay tình cờ dưới lớp tro bụi trong quá khứ, cũng có thể là một chiếc ô nhỏ cũ nát trong trận mưa rào xối xả lúc chạng vạng, qua lớp mịt mờ đó, bạn không nhớ rõ khuôn mặt người kia, nhưng lại luôn nhớ rõ cảm giác động lòng khi ấy.

Tôi vẫn luôn ngờ vực, cuộc gặp gỡ khi ấy chỉ là một lời nói dối do tôi-17-tuổi bịa ra, để cho những năm tháng cấp ba khô khan của tôi có chút màu sắc và hoài niệm.

Nói chung là sau đó, trong lòng tôi thầm mến cô gái đó rất lâu, rất lâu. Lâu đến mức cảm giác như vừa sinh ra đã yêu thầm người ấy, lâu đến mức tất cả bạn bè bên cạnh tôi đều biết tôi thầm mến một người giống như là ảo giác hư vô như vậy.

Tôi-17-tuổi từng có rất nhiều cơ hội đến gần cô gái đó, nhưng cậu ta là cái kiểu không có dũng khí, thầm lặng viết cả một quyển thư tình nhưng lại chưa từng nói với cô gái đó câu nào.

Tôi cười khổ, nâng chén lên trách móc cậu ta: “Cậu nói xem, khi đó mà cậu có thể dũng cảm hơn một chút, ngốc nghếch hơn một chút thì tốt biết bao, bỏ lỡ cái độ tuổi đó rồi thì tình yêu chẳng còn là cái mùi vị kia nữa.”

Tuổi 17 đáng thương, gặp người mình muốn đến gần, còn chưa bắt đầu đã tự cảnh cáo chính mình: “Đừng có bước tới, cậu không đáng để người ta thích.” Trước khi người ta từ chối mình thì đã tự coi thường chính mình.

Cái thứ gọi là thích này, dường như ban đầu cũng chứa đầy sự tự ti.

“Này, 17-tuổi, cậu tự ti quái gở như vậy chắc là không thể nào ngờ được rằng, mười năm sau, tôi đã có thể thoải mái tán gẫu với một đám người xa lạ, có rất nhiều bạn bè nói chuyện hợp cạ cả trai lẫn gái, cũng học được cách tự mình dìm mình, học được cách đối xử dịu dàng với người khác, khi còn sống thì gắng sức để lại càng ít tiếc nuối càng tốt.”

“Vậy chắc là bây giờ anh đang rất vui vẻ nhỉ?” 17 tuổi nhìn tôi đầy vẻ ngưỡng mộ.

“Có lẽ vậy, nhưng mà tôi cũng rất ngưỡng mộ cậu.”

“Sao lại thế?”

“Ngưỡng mộ cảm giác yêu một người thì cảm thấy dường như thời gian dừng lại thuở ban sơ. Còn tôi bây giờ thì càng ngày lại càng không hiểu thế nào mới là thích một người.”

Trang đầu quyển bút ký của tôi viết một đoạn văn của Calvino, mỗi lần mở ra, tôi đều sẽ ngây ra một lúc.

Tất cả sự tự phụ của tôi đều đến từ sự tự ti của tôi

Tất cả khí phách anh hùng của tôi đều đến từ sự yếu mềm của tôi

Miệng đầy những lời lẽ hùng hồn đều là vì trong lòng đầy sự hoài nghi

Thâm tình là bởi vì căm thù bản thân vô tình.

* Trích “Những thành phố vô hình” của Italo Calvino, nhà văn hậu hiện đại người Ý.

“Cậu đi đi, vị thành niên nên về ngủ đi.”

Tiễn tôi-17-tuổi đi rồi, nghênh đón tôi-20-tuổi.

“Hi, 20-tuổi, lần đầu yêu đương cảm giác thế nào?”

Tôi-20-tuổi đã cao lớn hơn, bên mép cũng bắt đầu có chút râu ria lẻ tẻ. Ánh mắt vẫn trong vắt, khi đó tôi còn chưa đeo kính, thích vận động, bắt đầu có cảm giác tự tin.

“Cảm giác yêu đương đúng là quá tuyệt vời!” Tôi-20-tuổi ực một tiếng cạn một cốc bia, rượu không say người tự say.

“Cứ như thể cả thế giới đều là của cậu, đúng không?” Tôi nhấp một hớp rượu, cười nhạt.

“Đúng vậy đúng vậy, lúc chờ cô ấy dưới lầu, tôi thực sự cảm thấy cả thế giới đều biến mất! Đúng rồi, 27-tuổi, tôi có cưới cô ấy không? Tôi đã nói là chỉ cần tốt nghiệp sẽ cưới cô ấy ngay!” Tôi-20-tuổi mắt lấp lánh, nhìn tôi đầy trông mong.

“Năm ngoái cô ấy kết hôn rồi, nhưng chú rể không phải tôi.” Tôi đặt ly rượu xuống, cúi đầu móc ra một điếu thuốc.

“Mẹ nó chứ, anh làm cái gì thế hả! Một cô gái tốt như thế mà anh cũng không biết quý trọng! Tôi khinh anh!” Tôi-20-tuổi đầy vẻ oán trách.

Thuở ban đầu chúng ta thích một người thật sự rất đơn thuần, có thể vì cô ấy nói êm tai, có thể vì cô ấy xinh đẹp lại là bạn học, cũng có thể là vì một lần hoạt động tập thể cùng uống một cốc bia, không để ý đã nói chuyện tới tận khuya…

Khi đó, chúng ta không vì muốn có được thứ gì mới đi thích một người, mà là có thể thích một người đã là một kiểu “có được”.

Nhưng mà chuyện yêu đương nào tiếp tục kéo dài dường như cũng là đang yêu nhau với thời gian, có đôi lúc cảm thấy nó đi quá nhanh theo không kịp, có đôi lúc lại chê nó đi quá chậm quá khô khan. Mà lúc nó đối xử với bạn tốt nhất thì bạn lại cảm thấy nó không tồn tại.

Cho nên tình yêu tốt đẹp nhất chính là cả hai người đều quên rằng mình đang yêu.

“Khi 20 tuổi, chúng ta cảm thấy yêu một người cả đời cũng không đủ, có thể là vì những cám dỗ từng gặp phải còn chưa đủ, cũng có thể vì nhiệt huyết khi ấy quá cháy bỏng. Cái thứ tình yêu này, lúc tốt đẹp thì đúng là tốt đẹp thật, đẹp đến mức khiến người ta muốn chết luôn trong chớp mắt; lúc hỏng bét thì đúng là hỏng bét thật, hỏng đến nỗi khiến người ta muốn chết luôn trong chớp mắt. Nhưng nếu đến cả Mặt Trời cũng không thể vĩnh cửu thì sao người đời lại cứ quá khắt khe đòi hỏi tình yêu vĩnh hằng?” Tôi cố giảng giải cho tôi-20-tuổi, nhưng có vẻ như cậu ta không chịu tiếp thu.

“Được rồi đấy, anh chỉ là một kẻ nhu nhược, thích một người lại chẳng thể thích tới tận cùng, đây chính là phản bội, đây chính là sự vũ nhục đối với tình yêu. Tôi khinh thường anh, hừ!”

“Có lẽ vậy, chúng ta rồi đều sẽ trở thành người mà bản thân xem thường. Hy vọng rằng ở một thế giới song song khác, cậu với cô ấy đã bạc đầu giai lão, con cháu đầy nhà…”

Tôi-20-tuổi sững sờ một lúc, giọng nói có vẻ buồn bã: “Bây giờ anh còn nhớ cô ấy không?”

“Tôi mong cô ấy hạnh phúc, biến mất khỏi cuộc đời nhau mới là lời chúc phúc tốt nhất.” Tôi nói chắc nịch.

Ở phần cuối của “Cuốn theo chiều gió”, Butler có một đoạn thoại rất nổi tiếng: “Scarlett, tôi không phải loại người kiên nhẫn nhặt những mảnh vỡ, đem gắn lại với nhau rồi lại tự nhủ rằng một vật chắp vá cũng coi như mới. Cái gì đã vỡ là đã vỡ… Và tôi thà nhớ lại khi nó tốt đẹp nhất, còn hơn là chắp vá lấy được để rồi suốt đời cứ phải thấy những chỗ vỡ.” – Có lẽ có những kết thúc chính là kết cục tốt nhất.

Cứ tán gẫu như vậy, đêm đã khuya, người đã vãn. Cụng ly với chính mình, lại tiếp tục.

Từ đó trở đi, dường như tôi của mỗi một năm đều có rất nhiều câu chuyện, có sụt sịt, có ủ rũ, có cười vui, có im lặng.

Tôi-25-tuổi, có lẽ là đã uống hơi nhiều, nói với tôi rất nhiều điều ngốc nghếch. Sau một lần lấy tất cả ra đánh cược, cậu ta đổi lấy được hư vô.

Cậu ta nghẹn ngào nói với tôi: “Đồ khốn, sẽ không bao giờ tin tưởng tình yêu nữa!”

Tôi mỉm cười, thì ra tới tận khi đó tôi vẫn còn võ đoán như vậy.

“Anh tin rằng trên đời này có tình yêu thật sự sao?” Cậu ta mở đôi mắt đã say lờ đờ, hỏi tôi.

“Thực ra phần lớn mọi người vẫn tin rằng trên đời này có tình yêu thật sự, cũng giống như tin rằng trên đời có người ngoài hành tinh vậy, không tin chỉ là không để cho bản thân mình bắt gặp mà thôi. Cái thứ gọi là hy vọng này vẫn phải có, biết đâu có ngày nào đó trở thành hiện thực thì sao?”

“Vớ vẩn.”

“Có lẽ vậy, đời người còn rất dài, chúng ta nên sống lạc quan hơn một chút. Còn nữa, cậu say rồi, về đi thôi.”

Có đôi khi ký ức là một loại ràng buộc, nó còn kèm theo phần mềm làm đẹp, có thể biến hóa ra đủ kiểu tùy chọn tông màu và bộ lọc.

Ký ức vẫn luôn không đáng tin, nhưng tâm trạng thì giống như một vết sẹo, bạn cho rằng đã khỏi rồi, nhưng nhìn thấy những cảnh tượng hoặc những câu chữ tương tự thì vẫn âm ỉ nhói đau. Cũng giống như tôi thuở bé từng bị dầu nóng bắn bỏng mặt, tới bây giờ nhìn thấy dầu sôi vẫn sẽ run rẩy trong lòng.

Thứ này thật sự không dứt hết được.

Làm người phải kiên trì cố gắng sống sót, đi thật nhiều nơi, quen thật nhiều người, thực ra chạy xa như vậy cũng chỉ là để thoát khỏi những ràng buộc cũ… Nhưng chỉ vẻn vẹn một ly rượu, bạn lập tức hiểu ra ngay rằng, có những khoảng thời gian xưa cũ đã hòa tan vào trong máu, không rời, không bỏ.

Đương nhiên đời người không hoàn mỹ, cái gọi là hoàn mỹ chỉ là một phần ngẫu nhiên, cho nên không cần phải khổ sở đeo đuổi, đến khi bạn đi được đủ xa rồi, tự cụng với chính mình một ly, tất cả những thứ đã từng là gánh nặng đều sẽ trở nên nhẹ như lông hồng.

Tất cả cuộc sống trước kia tới cuối cùng đều sẽ tiếp nối trở thành cuộc sống hiện tại, thứ thay đổi chúng ta chẳng qua chỉ là một lựa chọn, vậy thì tiếp nhận lựa chọn, là một mảnh vỡ, vậy thì chắp ghép mảnh vỡ.

Mà chúng ta thì chỉ có thể yêu và suy ngẫm giữa những mảnh vỡ thời gian, tự cụng ly với chính mình dọc theo quỹ đạo vận hành của từng mảnh vỡ!

 

Đăng trong Dương cảm

Hãy chăm sóc mẹ

Đừng đọc, nếu đang không ở bên cạnh mẹ,

bởi vì sẽ bật khóc đấy…

“Mẹ bị lạc đã một tuần.”

Kéo theo đó là những nỗi lòng rất hiện thực của mọi thành viên trong gia đình: hoang mang, lo lắng, gắt gỏng, đổ trách nhiệm cho nhau, và hơn hết là áy náy.

Sau đó là những dòng hồi ức chẳng theo một trình tự thời gian nào, về người phụ nữ ấy, lần lượt của đứa con gái lớn, đứa con trai đầu, và cả của người chồng.

Những chữ “cô”, “anh”, “ông” để gọi nhân vật hồi tưởng hoàn toàn có thể thay bằng chữ “tôi”, để rồi bất kỳ ai trong chúng ta cũng sẽ có thể tìm thấy mình trong ít nhất một hồi ức về người mẹ giữa câu chuyện.

Những dòng hồi ức ấy hết sức lộn xộn, nhưng lại hết sức mượt mà, như những nét bút nhỏ, ghép lại thành hình ảnh một người phụ nữ tảo tần, hy sinh, với một trái tim chứa chan yêu thương dành cho gia đình.

Cuộc hôn nhân của người phụ nữ ấy khó có thể miêu tả bằng những từ như “hạnh phúc” và “trọn vẹn”. Bà lấy chồng năm mười mấy tuổi, chỉ để tránh bị bón lính tráng từ trên núi xuống bắt đi, lấy một người đàn ông bà chưa từng gặp dù chỉ một lần. Bà đã từng ngồi khóc giữa ruộng bông vì muốn sống với mẹ mình. Chồng bà không phải một người biết yêu thương gia đình, kể cả khi những đứa con đã lớn, ông vẫn thỉnh thoảng bỏ đi khắp chốn khi cảm thấy chán, và chỉ trở về khi ông không còn thấy điều gì mới mẻ từ cuộc sống bên ngoài nữa, có khi ông đi từ mùa hạ đến tận mùa đông, thậm chí còn từng dẫn người phụ nữ khác về nhà. Nhưng gia đình đó đã không đổ vỡ, bởi vì mỗi lần trở về, cánh cổng nhà vẫn luôn để mở, và bát cơm nóng vẫn được để riêng ra cho ông. Trong dòng hồi ức của mình, ông nhiều lần khắc khoải vì sự vô tâm của mình trong quá khứ. Những câu hỏi “tại sao trước kia ông không nhận ra điều đó?” hay “tại sao trước kia ông không làm vậy?” trăn trở vô số lần trong đầu ông.

Đó là một người phụ nữ nông thôn rất điển hình. Cả đời bà quẩn quanh bên ruộng vườn và góc bếp, với những chum đậu, hũ kim chi, những con cá, nhưng mâm cỗ cúng. Bà mát tay trồng trọt, trồng cây gì sẽ bội thu cây đó. Bà cũng mát tay chăn nuôi, chăm con gì thì con đó sẽ lớn nhanh như thổi, đàn gà đàn vịt bầy chó đều đông lúc nhúc. Bà nấu ăn ngon, ai cũng muốn đi làm giúp bà để được ăn bữa cơm no gấp mấy lần ngày thường. Trong ký ức của cô con gái, mẹ dường như chưa bao giờ ngơi tay. Ruộng vườn chưa bao giờ bị bỏ trống. Mâm cơm cả nhà vẫn đủ đầy. Một năm bao nhiêu lần lễ tết, bà đều lo liệu chu toàn. Cô con gái thứ từng hỏi chị mình: “Không biết mẹ có ghét ở trong bếp quanh năm suốt tháng như vậy không nhỉ?” Bà cũng biết chán chứ, nhưng đó là trách nhiệm của bà, và là một người mẹ, mỗi lần nhìn đàn con được ăn no là bà đã hạnh phúc lắm rồi.

Đó cũng là một người mẹ quê mùa. Bà không biết chữ, ngay cả tiểu thuyết do cô con gái làm nhà văn viết, bà cũng phải nhờ người khác đọc cho nghe. Bà ít khi được lên thành phố, lần nào lên thăm con cũng tay xách nách mang đủ thứ, lo liệu chu đáo cho con cái xong thì lại tất tả trở về quê. Có lẽ bà chưa từng được thong dong tận hưởng cuộc sống thoải mái mà những đứa con đã thành đạt đáng lẽ có thể mang đến cho bà. Trong dòng hồi ức của người con trai, bà gắn liền với những chuyến ghé thăm vội vàng, với đủ thứ quà mang từ quê lên. Bà áy náy khi cho rằng con trai vì bà mà không thể hoàn thành giấc mơ, bà tự hào khi con đã có thể mua được một căn nhà ở Seoul, bà cười hớn hở khi ngay cả bà cũng có phòng trong căn nhà của người con trai. Người mẹ ấy cái gì cũng vì con mình, vì con mà có thể làm mọi điều, suốt cả một đời.

Người phụ nữ ấy có hạnh phúc không? Chồng không phải người đàn ông bà yêu nhất, bà từng đau khổ, từng gặp trắc trở, cũng từng nghĩ đến mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình, nhưng bà đã không làm như vậy. Bà tần tảo cả đời, hy sinh cả đời, nhưng bà chưa bao giờ nghĩ như vậy có đáng hay không, càng chưa từng hối hận.

Thực ra, đó chẳng phải người mẹ của riêng ai. Đó là hình ảnh chung của vô số người mẹ trên đời. Những việc Mẹ làm rất giản đơn, rất bình dị, nhưng đến khi nhìn lại mới thấy, cả cuộc đời Mẹ đã là một bức tượng đài vĩ đại.

Như ai đó đã nói: “Chỉ có thể là Mẹ!”

Nếu đang xa nhà, đừng bắt đầu đọc truyện. Bởi vì nước mắt sẽ cứ thế mà rơi xuống giữa những câu chữ giản dị.

Không ai nghĩ rằng mình vô tâm, cho đến khi đã mất đi, và nhìn lại những gì mình đã từng có.

“Hãy chăm sóc mẹ…”

 

Đăng trong Dương cảm

Một giá đầy những sách

1. Chuyện con mèo dạy hải âu bay

Cái tên đã trở thành quá nổi tiếng, nổi đến mức phải quyết tâm đọc một câu chuyện-dành-cho-trẻ-con khi đã hai mươi mốt.

Đây là một câu chuyện thực sự dành cho trẻ con, từ cốt truyện giản dị đến cách sử dụng từ ngữ dễ hiểu cũng như cách xây dựng các chi tiết rất đỗi giản đơn và nhỏ bé.

Mình không ấn tượng nhiều lắm với Zorba, ngoài cái chi tiết “con mèo mun to đùng, mập ú” mà tác giả dành hẳn một chương để miêu tả. Thay vào đó, mình rất thích cái cách chung sống hòa hợp như một cộng đồng khăng khít của những con mèo trên bến cảng: có con mèo Đại Tá, có mèo giáo sư Einstein, có mèo chạy vặt Secretario, có mèo thủy thủ Bốn Biển, có con mèo công chúa Angelina… Những con mèo với tính cách chân thật và gần gũi đều vô cùng dễ thương. Nên mình nghĩ, có lẽ thay vì “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” thì câu chuyện này nên có tên là “Chuyện những con mèo dạy hải âu bay”.

DSC00318

Nếu đọc câu chuyện này năm năm tuổi, có lẽ mình sẽ thấy nó thật thú vị.

Nếu đọc câu chuyện này năm mười một tuổi, có lẽ mình đã cảm nhận được cái hay của nó.

Nhưng đọc ở năm hai mươi mốt tuổi, tâm hồn mơ mộng của trẻ thơ đã không còn nhiều, và mình nhìn nhận câu chuyện với đôi phần xét nét. Như là, chú chim bay dễ dàng đến thế, từ một đài cao, thả mình xuống và vươn cánh như là bản năng, vậy mà trước đó lại là cả một quá trình “nghiên cứu” đầy học thuật phức tạp và chỉ có thất bại của những chú mèo.

Nhưng mà, dù sao thì đây cũng là một cuốn sách đáng đọc. Ít ra thì mình cũng sẽ khuyên đọc.

“Để biết bay, trước hết bản thân con phải muốn bay.”

2. Đường đua của những giấc mơ

Mình không thấu hiểu, nhưng có thể tưởng tượng được cảm giác đó của Jessica, khi cô ấy bị mất một bên chân, sau khi lập kỷ lục tại một cuộc thi đấu điền kinh.

Cô ấy là một vận động viên điền kinh, và cô ấy bị cưa mất một chân.

Thế giới của cô ấy dường như bị sụp đổ. Cô ấy không nhìn thấy tương lai. Và cô ấy oán trách tất cả mọi người, bởi vì chỉ có mình cô ấy phải chịu đựng nỗi đau và mất mát này.

Nhưng mà cô ấy không đánh mất giấc mơ của mình. Bởi vì bên cạnh cô ấy có một gia đình tuyệt vời, một người bạn thân tuyệt vời, và những người đồng đội cũng hết sức tuyệt vời.

Cô ấy lại tiếp tục thực hiện giấc mơ được chạy của mình.

DSC00316 (2)

Mọi người nói, đây là một cuốn sách truyền cảm hứng, bởi vì nó tiếp sức cho người đọc từ trong nỗi tuyệt vọng. Một vận động viên điền kinh không còn một chân còn có thể sống tiếp, và sống tốt, vậy thì vài chuyện không may mắn nhỏ nhoi trong cuộc sống bình thường này có là gì? Lạc quan một chút, mọi chuyện sẽ đều tốt đẹp hơn, có phải không?

Kỳ thực, mình không cảm nhận được lửa trong cuốn sách này nhiều như mọi người nói. Bởi lẽ, không phải ai cũng may mắn có những người bên cạnh tuyệt vời như Jessica. Cuộc sống, đôi khi khắc nghiệt hơn cả thế. Không phải ở nơi nào, người ta cũng sẽ tiếp sức cho tương lai và giấc mơ của một con người nhỏ bé như vậy. Có những người, giống như Jessica, mất đi một phần thân thể, mất đi niềm tin vào tương lai, nhưng còn bị cái nhìn của xã hội làm mất luôn cả dũng khí tiếp tục sống và làm lại. Họ sống không tốt…

Mình sẽ không nhìn cuộc sống từ khía cạnh bi quan như vậy nữa.

Mình chỉ muốn nói, ở đâu đó, một phần giấc mơ bị đánh mất, nhưng chúng ta không bao giờ bị tước đoạt trọn vẹn mọi thứ. Cố gắng chấp nhận hiện tại và thay đổi tương lai theo một hướng-không-ngoài-ý-muốn có lẽ là một cách sống tốt.

3. Từ thăm thẳm lãng quên

Khá “vất vả” mới mua được cuốn sách này, sau khi nhìn thấy rất nhiều đánh giá tốt và khuyên đọc.

Mình biết, đây là một cuốn sách khó đọc.

Từ miền nhớ hoang hoải, những ký ức ùa về.

Jacquelin nói: “Nếu cứ mười lăm năm chúng ta lại gặp nhau một lần, lần tới nhiều khả năng anh sẽ chẳng nhận ra em đâu.”

DSC00314

 

Mình nghĩ, nếu như lúc trước mình bớt đọc truyện ngôn tình Trung Quốc, dành thêm thật nhiều thời gian để nghiền ngẫm những tác phẩm lãng mạn kinh điển kiểu như “Cuốn theo chiều gió” hay “Đồi gió hú”, hoặc chỉ đơn giản là đọc thêm văn học phương Tây, thì bây giờ mình có thể cảm nhận được cái hay của “Từ thăm thẳm lãng quên” không.

Mình không phủ nhận đây là một cuốn sách hay, nhưng mình không lý giải được vì sao câu chuyện này lại được giải Nobel văn chương. Có lẽ, mình chưa đủ tầm để hiểu được phần hồn, phần lắng, phần chìm trong văn phương Tây.

Ở đây, mình cảm nhận được phần ký ức xa xôi của “tôi”, nhưng không cách nào hiểu hết tâm tình của người đó. Những ký ức chợt thoáng qua thoảng lại, đan xen vào nhau, hòa quyện lại.

Mình rất thích hai chữ “mịn màng” khi người ta nói về đoạn ký ức đó. Nhưng mà cái cách chữ “bỗng” xuất hiện bên cạnh đó lại làm mình ngờ ngợ. Câu chuyện của quá khứ, ký ức mịn màng, ám ảnh vô tận…

4. Ba ơi, mình đi đâu?

DSC00320

Thật sự rất hay.

Một câu chuyện buồn, hoặc thậm chí là đau thương, nhưng tác giả lại khiến người đọc không cách nào rơi nước mắt.

Mình sẽ không dành thêm lời nào để review lại nội dung của “ba ơi, mình đi đâu” nữa, mình chỉ tóm lại một câu là: ai cũng nên đọc.

Vì sao lại có thể đoạt giải Fémina, vì sao lại trở thành tâm điểm của mùa văn học Pháp 2008, chỉ cần đọc vài trang sẽ hiểu. Thấm đẫm tình yêu, thấm đẫm nhân văn.

Đọc, cười, và nhớ.

 

DSC00321