Đăng trong Dương cảm

Khi vẫn còn có nhau, xin hãy cố gắng yêu nhau

Khi vẫn còn có nhau, xin hãy cố gắng yêu nhau

– Hàn Mai Mai –

Trích tuyển tập “Thế giới lớn như vậy, tôi muốn đi ngắm nhìn”

Người bạn cũ ở quê nhắn với tôi trên Q: Cậu biết gì chưa? Đập Song Long đã bị vùi xong rồi đấy.

Trong lòng tôi giật nảy, kêu thầm: Nhanh thế sao! Tôi còn chưa kịp về nhìn lại một cái…

Đời người có lẽ là càng về sau thì càng cảm thấy thời gian trôi qua nhanh. Bây giờ nhớ tới khoảng thời gian ở đập Song Long thì đã là mười lăm năm trước.

Mười lăm năm, ở cái tuổi của tôi khi đó là một con số dài cỡ nào!

Khi đó tôi mới mười tám tuổi, bị phân đến làm giáo viên tiểu học ở một thôn nhỏ.

Một dòng sông lớn, hai bên bờ là núi non.

Bây giờ nhớ tới nơi đó, dường như trong mũi còn có thể ngửi được mùi cỏ tươi và mùi bùn đất. Ở đó trời hay mưa, mưa xong không khí trong lành, khắp nơi đều ướt sũng, mây mù lúc nào cũng che phủ lưng chừng núi. Nước sông vẫn luôn vẩn đục, từ xa ngàn dặm chảy tới, lại chảy đi xa ngàn dặm, ầm vang nơi khe núi, chưa bao giờ ngừng lại.

Lúc tôi mới đến, trong thôn không có hệ thống cung cấp nước uống cũng chẳng có điện, cuộc sống vô cùng yên tĩnh và đơn giản. Tôi sống trong căn nhà nhỏ màu trắng bằng xi măng duy nhất trong thôn, là ký túc xá của giáo viên, ngày ngày thắp nến viết giáo án, sau đó chìm vào giấc ngủ giữa màn đêm yên ả. Ánh trăng rất sáng, chiếu qua cửa sổ, sáng đến mức có thể đọc sách được.

Nơi đó quanh năm đều có gió to, gió thổi ruộng mía lắc lư lên xuống như gợn sóng, người dân trong thôn dựa vào trồng mía để kiếm sống. Mùa đông tới thì người dân trong thôn bắt đầu ép đường, khắp thôn đều tràn ngập mùi đường ấm áp.

Cứ chừng hai ngày thì sẽ có một chiếc xe buýt nhỏ từ trong huyện chạy tới, đây là phương tiện giao thông duy nhất nối liền với bên ngoài. Trong thôn còn có một con đò, bến phà ở cách thôn mấy cây số, nó có thể chở mọi người đến tỉnh Vân Nam ở bên kia con sông lớn. Ở đó cứ thứ ba, năm, bảy sẽ có chợ, người dân trong thôn bên này muốn ăn chút thịt tươi hay mua chút đồ dùng hằng ngày thì đều phải qua bên kia sông mua về.

Điều tôi thích nhất là con đường lớn mãi không sửa xong ở trong thôn, nó chạy dọc theo bờ sông, dẫn thẳng về phương xa. Tôi thích đi bộ trên con đường kia mỗi lúc chạng vạng, đa số thời gian là một người lẳng lặng đi về phía trước, gió sẽ thổi cho quần áo trên người phồng lên, nhưng lại chẳng hề lạnh chút nào. Trời dần tối, còn tôi cứ đi thẳng mãi, cho tới khi vầng trăng tròn như chiếc đĩa nhô lên từ đỉnh núi thì mới xoay người lại.

Có đôi lúc tôi sẽ dừng lại ngồi một lát trên đống cỏ ven đường, nhìn về phương xa, nghĩ về tương lai của mình.

Mười tám tuổi, hoàn toàn không biết gì về tương lai của mình, ngập tràn khát vọng đối với phương xa.

Tôi vô cùng mong mỏi có thể có một ngày rời khỏi nơi đó, rời khỏi cái thôn kia. Tôi muốn tới phương xa, nơi nào cũng được.

Hai học kỳ sau đó, rốt cuộc tôi cũng quyết định rời đi.

Rất đơn giản, tôi thu dọn đồ đạc rồi đi ngay. Trong lòng quá mong chờ được rời đi, tôi cũng quên mất là lúc rời đi tôi có tạm biệt mọi người nơi đó không, có quay đầu liếc nhìn thôn làng kia hay không.

Khi đó tôi cho rằng, nơi này vẫn sẽ luôn ở đây, sau này nếu muốn thì tôi vẫn còn có thể trở lại ghé thăm.

Sau đó, tôi bắt đầu cuộc sống vi vu khắp chốn.

Đi tới rất nhiều rất nhiều nơi, xuất phát, tới nơi, trải nghiệm, ở lại, rời đi,…

Thời gian cứ thế trôi qua.

Sau đó mới biết, thành thị nơi mình từng khao khát hóa ra cũng không sạch sẽ như mình tưởng tượng.

Mà nơi tôi từng chỉ mong mỏi mau chóng chắp cánh bay đi ngay lại đột nhiên tìm đến trong giấc mộng của tôi vô số lần.

Núi non, trăng tròn, sương trắng, nước sông.

Còn cả sự yên ả kia nữa.

Tôi quyết tâm, có thời gian thì nhất định phải về thăm một chuyến.

Ý nghĩ này gác đó rất nhiều năm.

Đã từng có một năm, đã đến rất gần.

Tôi đã về tới thị trấn, định bụng hôm sau sẽ đi vào thôn.

Thế nhưng sáng hôm sau, xe phải rời đi trước dự kiến, tôi chỉ có thể theo xe rời đi.

Người thân nói với tôi: Không sao, để lần sau lại đi!

Sau đó, nhoáng cái đã nhiều năm.

Cuối cùng nghe tin về hồ chứa nước của nhà máy thủy điện.

Có người gửi cho tôi mấy bức ảnh.

Nơi đó đã hoàn toàn nằm dưới dòng nước sông cuồn cuộn. Căn nhà nhỏ màu trắng và cả con đường còn chưa sửa xong kia giờ đã chẳng còn bóng dáng. Cùng biến mất theo còn có cả ký ức năm mười tám tuổi của tôi.

Nơi đó đã trở thành nơi không trở lại được nữa.

Một người bạn thích du lịch của tôi nói với tôi:

Mỗi lần cô ấy đi qua một nơi nào khiến cô ấy động lòng thì lúc rời đi, cô ấy đều sẽ nghiêm túc, lưu luyến nhìn thêm vài lần, tạm biệt nơi đó. Bởi vì cô ấy không biết, đời này kiếp này, có còn có thể trở lại nơi đó nữa hay không…

Việc này cũng giống như yêu một người, nếu như bạn thực sự rất yêu người đó thì nhất định phải đối xử với người đó thật tốt, bởi vì một đời rất ngắn. Có những nơi rời đi rồi sẽ không trở lại được nữa. Cũng giống như có những người nói tạm biệt rồi thì thật sự sẽ không còn gặp lại nữa…

Ngày cuối cùng của năm 2013, một người bạn tự tổng kết lại bản thân trên Weibo, câu cuối cùng cậu ấy viết:

Bố mẹ, trong năm vừa rồi, xin hãy tha thứ cho những lần con không nhịn được đã to tiếng với bố mẹ.

Người bạn này là một người con hiếu thảo, trước kia du học ở châu Âu, vốn có thể ở lại làm việc, nhưng nghĩ tới bố mẹ đã già, cậu ấy chọn về nước.

Có một hôm, vừa rạng sáng cậu ấy đã gọi điện thoại cho tôi, nói rằng trong lòng đột nhiên thấy sợ hãi.

“Mình đột nhiên nhận ra rằng, chắc chắn rồi sẽ có một ngày bố mẹ sẽ rời xa mình. Mình rất sợ, không tài nào ngủ được nữa…”

Đây cũng là nỗi sợ của tôi.

Ngay từ lúc còn nhỏ đã sợ rồi.

Tôi thường nhìn bóng lưng của những người tôi yêu, trong lòng chua xót.

Bởi vì đời người chính là như vậy.

Không có ai có thể mãi mãi ở cạnh bên.

Bởi vì điều này, đời người chắc chắn là thê lương.

Gặp nhau rất tốt, gặp lại rất khó.

Điều duy nhất chúng ta có thể làm chính là quý trọng.

Vì người mình yêu, làm tất cả những chuyện nhỏ nhặt mà mình có thể làm.

Thường xuyên ở bên họ.

Bao dung cho sự ích kỷ và lỗi lầm của họ.

Cố gắng giúp họ thực hiện nguyện vọng.

Cùng nhau chia sẻ và tạo ra những hồi ức tốt đẹp.

Sau khi mẹ già rồi, cũng có đôi lúc tôi không nhịn được nói năng với mẹ bằng giọng điệu không được tốt. Mỗi lần nổi giận, mẹ tôi đều sẽ chọn nhẫn nhịn. Mà sau đó, cuối cùng tôi đều sẽ hối hận buồn bã.

Đối với bố mẹ thì con cái sống tốt chính là điều họ mong mỏi nhất. Bây giờ cuộc sống nhiều áp lực, con cái có hơi nóng giận thì họ cũng sẽ dễ dàng tha thứ.

Có một loại đau khổ không thể biến mất.

Đó là sự thiếu sót đối với bố mẹ.

“Giá như lúc đó có thể nhẹ nhàng và kiên nhẫn với bố hơn một chút!”

“Giá như mình có thể nói ra tình yêu dành cho bố.”

“Giá như mình đưa bố đi du lịch…”

“Giá như khi đó mình thường xuyên về thăm bố…”

“Những gì mình đền đáp cho mẹ còn không bằng một phần trăm những gì mẹ đã cho mình…”

Lần trước về Bắc Kinh, tụ tập với mấy người bạn thân.

Người bạn kia nói tháng trước bố cậu ấy đã qua đời. Bọn tôi đột nhiên nhận ra, mấy năm nay, bọn tôi đều lần lượt trở thành những đứa trẻ không có bố.

Bạn nâng ly rượu lên nói, từ giờ trở đi, trên con đường tương lai, chúng ta sẽ phải đối mặt với sự cáo biệt nhiều hơn. Chuyện đương nhiên của đời người, không thể làm gì khác ngoài thản nhiên đối mặt!

Chúng tôi không nói gì, chỉ biết uống rượu.

Nếu như chia lìa là không thể tránh được.

Vậy thì xin hãy đối xử với người có duyên phận với mình tử tế hơn một chút.

Lúc ở bên nhau, lời muốn nói thì hãy nói ra, việc muốn làm thì hãy làm đi!

Hãy quan tâm và ở bên họ nhiều hơn.

Hãy nói lời cảm ơn.

Khi chúng ta còn có nhau, hãy cố gắng yêu nhau.

 

 

Tác giả:

Tuổi trẻ, sống cuồng nhiệt, thật lòng. Không oán, không thù, không hối, không tiếc.

Bình luận về bài viết này