Đăng trong Lặt vặt

Trung Quốc 4.0

Mình vừa trở về sau mười ngày lông bông ở Trung Quốc. Ông cha ta nói “đi một ngày đàng học một sàng khôn” chẳng sai tí nào, đi rồi mới thấy Trung Quốc khác lắm với những gì xưa nay được biết.

1. Người Trung Quốc không còn dùng tiền mặt nữa, họ dùng mã QR. Điện thoại là tất cả tài sản của họ.

2. Thâm Quyến là một thành phố lớn với tốc độ phát triển vượt bậc, ở đó bạn sẽ bắt gặp robot ở tất cả mọi tụ điểm kinh tế như sân bay, ngân hàng, siêu thị,… Tất cả máy móc đều rất hiện đại, và nếu tới Thâm Quyến, bạn sẽ có cảm giác như đang đi trước thời đại.

Quảng Châu cũng là một thành phố lớn, và đồng nghĩa với thành phố lớn là giá cả đắt đỏ. Cùng một mặt hàng, giá ở Quảng Châu có thể đắt gấp rưỡi, thậm chí là gấp đôi, gấp ba ở các thành phố thuộc loại vừa và nhỏ.

Hàng Châu là một thành phố nhỏ, “nhỏ” ở Trung Quốc không phải là ở diện tích mà là ở quy mô kinh tế. Nhưng theo như lời của một số bạn Trung Quốc khác, giá cả ở Hàng Châu có thể xem là đắt đỏ so với tầm phát triển của nó.

3. Người nước ngoài tới Hàng Châu ai cũng biết Tây Hồ. Tây Hồ được mệnh danh là hồ đẹp nhất Trung Quốc, nhưng thực ra lại chẳng khác lắm Hồ Gươm, từ lối đi bộ, những bức tượng đài, những cửa hàng bán đồ lưu niệm cho đến những hàng cây rủ bóng bên hồ. Điểm khác biệt lớn nhất giữa Tây Hồ và Hồ Gươm là Tây Hồ rộng hơn Hồ Gươm rất nhiều, và nước Tây Hồ trong vắt với rất nhiều sen được trồng quanh hồ. Một chị người Mỹ nói rằng, nếu đã từng ghé qua Hồ Gươm thì người ta sẽ không còn trầm trồ trước Tây Hồ nữa.

Làng Long Tỉnh nằm khá gần Tây Hồ và bạt ngàn trà, đến nỗi nếu bạn có xách theo cả một cái giỏ và hái lá trà thì chắc cũng sẽ chẳng có ai cản bạn. Làng Long Tỉnh siêu đẹp, nếu nhìn từ trên cao xuống, nhưng để leo lên được cái độ cao đủ để tận hưởng cái đẹp đó thì cũng đủ mệt nhoài, đến nỗi muốn lăn luôn từ trên đỉnh xuống đồi trà bên dưới. Nhưng quanh đồi trà làng Long Tỉnh còn có rất nhiều cảnh đẹp khác để tham quan, và bạn sẽ thấy Trung Quốc đã đầu tư du lịch tới mức ngay cả trong rừng hay trên núi cũng lắp đặt những máy cảm ứng để mà chỉ cần bạn bước qua, bạn sẽ lập tức được nghe đầy đủ thông tin về điểm bạn đang dừng chân – một cách hoàn toàn tự động.

4. Mình chưa tới Trùng Khánh, nhưng có vài người bạn Trùng Khánh. Họ nhiệt tình hơn hẳn người đến từ các vùng miền khác của Trung Quốc. Có lẽ là liên quan tới tập tục, tính cách của họ rất cởi mở, có thể dùng một từ để khái quát cả con gái Trùng Khánh là “bạo”. “Bạo” cả trong làm việc, ăn uống và nói năng. Nhưng tiếp xúc với người Trùng Khánh thực sự rất tuyệt.

5. Người Trung Quốc vô cảm với nhau nhưng lại rất nhiệt tình với bè bạn quốc tế, càng tây họ lại càng nhiệt tình. Và người Trung Quốc không ghét người Việt Nam. Lúc mình hỏi đường, họ chỉ sơ sơ, nhưng sau khi nghe mình nói mình là người Việt Nam tới Trung Quốc chơi, họ dẫn mình tới tận cửa tòa nhà, sau đó còn nhờ một người khác sống trong đó dẫn lên tận nơi.

6. Một điều mà bạn phải chuẩn bị tinh thần trước khi tới Trung Quốc là người Trung Quốc nói tiếng Anh rất kém. Một số người trẻ Trung Quốc nói tiếng Anh hay, nhưng phần đông người Trung Quốc không biết tiếng Anh, người trẻ có biết thì cũng biết rất ít, và cách phát âm tiếng Anh của người Trung Quốc không giống với những gì xưa nay bạn thường được biết. Thậm chí, bạn đừng hy vọng nhiều kể cả ở sân bay hay ga tàu, nhân viên sân bay và cả hải quan cũng biết rất ít tiếng Anh. Các bạn Trung Quốc bảo rằng, thế giới của người Trung Quốc là “inside China”, họ không cần tới tiếng Anh. Cho nên nếu muốn đến Trung Quốc, hãy dắt lưng một ít tiếng Trung cơ bản đi. Người Trung Quốc sẽ nhiệt tình nếu bạn là người nước ngoài, nhưng sẽ còn cởi mở hơn nếu bạn có thể trò chuyện với họ vài câu tiếng Trung.

7. Một chuyện đã từng gây tranh cãi, đó là chuyện “mua vợ Việt”. Nói “mua vợ” thì không đúng lắm, nhưng sự thật thì ở Trung Quốc, “vợ Việt Nam” rất rẻ. Muốn kết hôn với một cô gái Trung Quốc, bên nhà trai phải có nhà, có xe (trừ những cô gái sẵn sàng đồng cam cộng khổ với chồng). Muốn kết hôn với một cô gái Việt Nam thì sao? Chỉ cần một lễ cưới, và họ hàng làng xóm xuýt xoa rằng con gái nhà đó lấy chồng bên Tàu! Đừng bảo con gái Trung Quốc thực dụng, đó là cái giá để bố mẹ bên nhà gái tin rằng con mình gả đi sẽ không đến nỗi phải chịu khổ. Chênh lệch giới tính khiến con gái Trung Quốc trở nên có giá. Người Việt Nam hò hét lên án người Trung Quốc “mua vợ”, nhưng xin thưa rằng, “mua vợ” chỉ là cách gọi của một cuộc hôn nhân mà ở đó chàng trai Trung Quốc phải bỏ ít vốn hơn so với lấy một người vợ trong nước, và trong cuộc hôn nhân này, hai bên đều bình đẳng. Mình không khuyến khích cũng chẳng lên án, bởi lẽ đây là hôn nhân, không phải là buôn người bất hợp pháp, rất nhiều phụ nữ Việt Nam vẫn lấy chồng Trung Quốc.

Cũng không phải là muốn lật lại chuyện cũ lên nói, chẳng qua là tới Trung Quốc mấy ngày khiến mình được mở mang tầm mắt rất nhiều, biết được nhiều thứ không như những gì dân mình hay đồn thổi. Chắc chắn mình sẽ quay lại Trung Quốc với một kế hoạch dài hơi hơn, ở lại lâu hơn và biết nhiều hơn về Trung Quốc.